Nạn lừa đảo bán vé qua mạng khắp toàn cầu
'Cơn sốt' đi xem các sự kiện trực tiếp vẫn không hề thuyên giảm ở các nước phương Tây cho dù đã hơn hai năm từ khi lệnh phong tỏa chấm dứt. Dự báo các nhà tổ chức sự kiện sẽ tiếp tục 'bội thu' trong mùa hè tới, nhất là nhờ vào giải bóng đá Euro ở Đức và thế vận hội Olympic Paris. Tuy nhiên điều này cũng đang tạo cơ hội cho rất nhiều đối tượng bất lương kiếm lời bằng trò lừa đảo bán vé qua mạng.
Nhiều nạn nhân mất tiền vì mua vé trên mạng
Bà Lisa Turner, 47 tuổi, sống ở thành phố Detroit (Mỹ) không thiếu gì kinh nghiệm “săn” vé. Năm ngoái, khi nghe tin siêu sao Taylor Swift sắp công diễn tại Detroit vào ngày 9/6, Lisa liền lập tức tìm cách đặt trước vé. Nhưng như vậy cũng là muộn, vì vé cho sự kiện trên bán hết trong vòng chưa đến ba tiếng. Bà Lisa đã sử dụng thẻ tín dụng hạng thương gia của mình để tìm mua vé ưu tiên cũng không được.
Sau một hồi “lùng xục” trên những nền tảng bán vé như TicketMaster, cuối cùng bà Lisa đành phải tìm đến website rao vặt Craiglist. May mắn làm sao, bà tìm thấy một người đàn ông tên là Kevin sẵn sàng bán lại một số vé xem Taylor Swift với cái giá rất phải chăng: 300 USD/vé. Lisa kể lại: “Tôi nghe anh ta nói chuyện qua điện thoại có vẻ trung thực lắm. Tôi còn kiểm tra tấm vé điện tử Kevin gửi qua ứng dụng Apple Wallet. Tấm vé không có gì đáng nghi cả. Vậy là tôi liền bỏ ra 1.200 USD để mua bốn vé cho tôi, con gái tôi và hai đứa bạn của nó. Phải đến khi tôi cầm điện thoại đi đến tận phòng bán vé ở sân vận động thì mới “ngã ngửa” ra là vé giả”.
Lisa Turner thử liên lạc lại với Kevin, nhưng tất nhiên là số điện thoại lẫn tài khoản Craiglist của kẻ lừa đảo cũng đều biến mất. Nhưng câu chuyện của bà may mắn có một cái kết hậu. Sau khi đài truyền hình địa phương đăng tải câu chuyện của Lisa, bà nhận được cuộc gọi từ công ty tổ chức buổi hòa nhạc. Họ thông báo rằng một người giấu tên sau khi nghe chuyện đã nhường lại bốn tấm vé cho gia đình bà Lisa.
Không phải ai cũng may mắn như vậy. Nếu chỉ tính riêng ở Mỹ thì trong năm 2023 đã có gần 18.000 trường hợp bị lừa khi mua vé qua mạng. Đây chỉ tính những vụ việc có nạn nhân đi trình báo, chứ con số thật chắc chắn cao hơn nhiều.
Mới đây ban tổ chức Thế vận hội mùa hè Paris 2024 đã phải đưa ra thông cáo cảnh báo về tình trạng bán vé giả. Không ít đối tượng đã giả danh Ủy ban Olympics quốc gia Pháp để bán vé Olympic và Paralympic 2024. Để tránh sự nghi ngờ của ngân hàng, bọn lừa đảo bán vé với giá rất thấp với lý do: “Vé miễn phí, chỉ cần khách hàng gửi tiền phí bưu chính”. Điều đáng ngạc nhiên là Olympic và Paralympic 2024 hoàn toàn không bán vé giấy. Kể cả người đi mua vé trực tiếp cũng nhận được vé điện tử. Vậy nhưng không ít người trong và ngoài nước Pháp vẫn bị lừa mua vé giấy giả.
Ông Simon Miller, giám đốc tổ chức chống lừa đảo Stop Scams (Anh quốc) nhận xét về tình hình giả mạo vé xem Olympic: “Nhu cầu đi xem các sự kiện thế vận hội đang vượt qua nguồn cung vé. Olympic Paris không khác gì “cơ hội ngàn năm” đối với nhiều fan thể thao Tây Âu, bởi vì hai kỳ Olympic gần đây nhất được tổ chức ở tận Nam Mỹ và Đông Á”.
Anh quốc là một đất nước khác có nạn bán vé giả tràn lan. Ước tính tổng số tiền những kẻ lừa đảo bán vé kiếm được ở Anh trong năm 2023 lên tới 86 triệu bảng. Sỗ vụ lừa đảo trong năm 2023 cũng tăng 28% so với năm 2022. Theo ngân hàng Lloyds thì chỉ trong tháng 4-2024, đã có hơn 600 khách hàng của ngân hàng này mất tiền vì mua phải vé giả xem các sự kiện của ca sỹ Taylor Swift. Tổng số tiền họ mất là hơn 1 triệu bảng.
Ông Ben Donaldson, Trưởng phòng Chống tội phạm tài chính của Hiệp hội Tài chính Anh, cho biết: “Olympics Paris và chuyến công diễn của Taylor Swift là hai sự kiện lớn nhất năm nay đối với người Anh. Đứng sau hai sự kiện này về số vụ lừa đảo thì là các show diễn của Harry Styles, Coldplay và Beyoncé. Nền kinh tế Anh đang gặp khó khăn, nhưng nhu cầu đi xem các sự kiện trực tiếp của người Anh vẫn còn rất cao”.
Không thể phủ nhận sự tiện lợi mà vé điện tử đem lại, nhưng nó cũng tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Thay vì phải in vé giả, tội phạm chỉ cần ngồi ở nhà mà “thả mồi câu” trên các trang mạng xã hội. Chúng cũng chỉ cần năm, mười phút để tạo nên một tấm vé giả bằng phần mềm chỉnh sửa hình ảnh. Công phu hơn một chút thì chúng tạo ra những trang web bán vé giả. Bọn lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân chuyển khoản thay vì dùng thẻ tín dụng bởi vì thu hồi lại số tiền chuyển khoản khó hơn thu hồi giao dịch tín dụng. Gần đây chúng lại chuyển sang sử dụng các dịch vụ ví điện tử như Venmo và Zelle.
Mỗi nạn nhân người Anh mất trung bình khoảng 100 bảng cho bọn bán vé lừa đảo, nhưng với một số sự kiện nhất định như show diễn của Taylor Swift thì số tiền bị mất cao hơn nhiều, vào khoảng 332 bảng/nạn nhân. Điều đáng ngạc nhiên là đa số nạn nhân nằm trong lứa tuổi từ 25 đến 34, và họ thường mất tiền qua Facebook. Đáng lẽ ra nhóm đối tượng này phải có kiến thức và kỹ năng tự phòng chống lừa đảo qua mạng xã hội, nhưng thực tế thì ngược lại.
Chris Hainsley, Trưởng bộ phận chống lừa đảo tại Anh của ngân hàng Santander, giải thích: “Người trẻ rất dễ bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông. Họ chỉ cần nhìn thấy thông báo bán hết vé là đầu óc mất hết lý trí, rồi đổ xô đi lùng xục mùa vé chợ đen. Ngay cả những người bình thường rất nhạy bén cũng bị cuốn theo tâm lý chung rồi bị lừa”.
Luôn phải cảnh giác
Cảnh sát nhiều nước đang ra quân triệt phá các ổ nhóm tội phạm lừa đảo bán vé trước thềm diễn ra hàng loạt sự kiện trực tiếp trong mùa hè. Đơn cử như cảnh sát Canada vừa mới bắt hai đối tượng Jaspal Thiara (37 tuổi) và Jordan Cordeiro (29 tuổi) chuyên lừa đảo người đi tìm mua vé các buổi biểu diễn âm nhạc. Theo báo cáo của cảnh sát thì hai đối tượng đã lừa được tổng cộng hơn 100.000 USD.
Tuy vậy điều quan trọng hơn cả là khách hàng phải luôn cẩn thận khi đi mua vé. Tốt nhất là bạn nên mua vé từ trang web chính thức của sự kiện hoặc những công ty bán vé có uy tín như Ticketmaster. Ở Mỹ có Hiệp hội Bán vé quốc gia (NATB) chuyên kiểm chứng các cá nhân, tổ chức bán vé và đề ra quy tắc hoạt động cho họ. Trong trường hợp một thành viên NATB không giao được vé cho khách hàng, họ sẽ phải bồi thường cho khách hàng số tiền tương đương 200% giá trị vé.
Một số tổ chức phòng chống lừa đảo như StopScams thì lại đang duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu nhận diện kẻ lừa đảo. Các đối tượng bao giờ cũng sử dụng tên giả, số điện thoại giả, email giả, v.v... nhưng trong một số trường hợp chúng không thay tên, số điện thoại, v.v... sau mỗi vụ lừa đảo. Chỉ cần đối tượng phạm tội bị trình báo một lần thì cơ sở dữ liệu sẽ ghi lại thông tin về kẻ tội phạm để những người khác có thể đối chiếu để tránh rơi vào bẫy. Về lâu về dài thì số dữ liệu thu thập được sẽ giúp cơ quan điều tra khoanh vùng được kẻ lừa đảo.
Giới chuyên gia đang coi chuyển khế là phương thức giao dịch mua vé an toàn nhất. Chuyển khế về cơ bản nghĩa là người bán và người mua giao dịch với một bên thứ ba. Bên thứ ba sẽ nhận tiền từ người mua và nhận vé từ người bán, rồi sau khi xác nhận tính hợp pháp của giao dịch thì sẽ chuyển tiền và vé cho hai bên. Chuyển khế trước đây thường chỉ được sử dụng trong các giao dịch tài chính và xuất nhập khẩu, nhưng trong vài năm trở lại đây đã xuất hiện các dịch vụ online như Escrow chuyên phục vụ khách hàng cá nhân đi mua vé. Ngược lại khách hàng không bao giờ nên chuyển tiền qua các ví điện tử như Venmo, Zelle, PayPal, CashApp, v.v... Khả năng nạn nhân thu hồi lại được tiền vào ví điện tử của mình là rất thấp.
Ai cũng hiểu rằng vé do “cò” bán bao giờ cũng đắt hơn vé chính thức. Khách hàng trước khi mua vé ngoài bao giờ cũng nên hỏi trước số ghế rồi đối chiếu với giá vé chính thức. Nếu giá vé ngoài rẻ hơn thì rất có khả năng là vé giả.
Trách nhiệm không chỉ thuộc về người mua vé. Nhu cầu lớn, giá vé cao, nguồn cung vé thấp, đó là điều hoàn toàn hiểu được. Điều mà các tổ chức bán vé cần làm là làm sao để khách hàng mua vé càng dễ càng tốt, từ đó tránh đẩy họ đến các kênh bán vé không chính thức. Mới đây ban tổ chức Olympic Paris đã chịu chỉ trích vì không có hạ tầng cơ sở mạng tốt, khiến người hâm mộ ở nhiều quốc gia không thể mua vé qua website chính thức. Hay là công ty Ticketmaster - nhà bán vé lớn nhất tại Mỹ - gần đây đã bị chính siêu sao Taylor Swift lên án cũng vì lý do “nghẽn mạng”. Chưa hết, Ticketmaster không hề có bất kỳ động thái nào nhằm ngăn chặn những đối tượng “cò” mua gom vé, trong khi đây đã là vấn đề khiến Taylor Swift “nhức đầu” dai dẳng kể từ khi cô bước chân vào làng âm nhạc.
Cũng phải nói luôn là các đối tượng lừa đảo không chỉ nhắm vào những sự kiện trực tiếp nổi tiếng. Mới đây thôi viện bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan đã phải ra thông báo cho biết khoảng 50 người đã bị lừa mua vé giả vào bảo tàng. Nạn nhân bị lừa đến một website giả mạo mang tên vangoghshop.pro để mua vé bằng thẻ tín dụng. Họ không chỉ mất tiền mà còn mất cả thông tin thẻ tín dụng nữa. Tội phạm lừa đảo hiện vô cùng nhanh nhậy. Chỉ cần “ngửi” thấy cơ hội là chúng sẽ giở trò ngay. Trong trường hợp của bảo tàng Van Gogh, nhiều khách hàng bị lừa khi đang tìm mua vé xem triển lãm tranh của cố họa sĩ người Canada Matthew Wong. Một số nạn nhân sau đó đã may mắn nhận được vé miễn phí từ bảo tàng như một sự an ủi.