Quân sự thế giới hôm nay (2-2): Philippines cho phép Mỹ mở thêm căn cứ quân sự
Tin tức quân sự thế giới trong ngày 2-2 có thông tin quân sự, quốc phòng quan trọng liên quan Argentina, căn cứ Mỹ tại Philippines, Triều Tiên, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
* Argentina chính thức công bố kế hoạch theo đuổi mua sắm 156 xe thiết giáp Guarani do Brazil sản xuất. Theo Defense News, thông tin này được đưa ra trong bản ý định thư ký kết với Brazil tại Buenos Aires trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tới Argentina.
Thỏa thuận này là căn cứ mở đường cho các cuộc thương lượng trực tiếp và hai bên hy vọng hợp đồng chính thức sẽ được ký kết vào giữa năm 2023. Nội dung ý định thư cho biết nước này sẽ mua 120 xe thiết giáp chở quân phiên bản VCBR-TP có trang bị súng máy cao xạ 12,7mm SARC REMAX 4; 27 xe thiết giáp chiến đấu bộ binh phiên bản VCBR-CI có trang bị súng máy 30mm SARC UT30BR2 và 9 xe chỉ huy phiên bản VCBR-PC.
* Pakistan bắt giữ nghi phạm đánh bom nhà thờ Hồi giáo khiến hơn 100 người thiệt mạng. Theo ông Mohammad Aijaz Khan, Cảnh sát trưởng Peshawar, giới chức đã bắt giữ một số nghi phạm liên quan đến vụ đánh bom liều chết hôm thứ Hai (31-1) khiến hơn 100 người thiệt mạng và 217 người khác bị thương. Ông Mohammad Aijaz Khan cho biết thêm vụ việc sẽ chưa dừng lại và sẽ có thêm nhiều nghi phạm khác bị bắt giữ và không loại trừ khả năng những kẻ đánh bom đã được ai đó trong nội bộ lực lượng cảnh sát giúp đỡ.
* Ngày 2-2, Triều Tiên tuyên bố sẽ có “phản ứng mạnh nhất” để đáp lại việc Mỹ mở rộng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Theo thông tin từ Army Times, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng Mỹ và các đồng minh đang đẩy căng thẳng đến “lằn ranh đỏ cao độ”. Trước đó, ngày 31-1, trong chuyến thăm tới Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường triển khai khí tài quân sự hiện đại tới bán đảo Triều Tiên, gồm cả máy bay chiến đấu và tàu sân bay, nhằm tăng cường huấn luyện và lập kế hoạch tác chiến chung với Hàn Quốc.
* Theo Defense News, Pháp sẽ cung cấp radar phòng không cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết nước này sẽ cung cấp hệ thống radar phòng không có khả năng phát hiện tên lửa và máy bay không người lái cho Ukraine. Thông tin này được đưa ra trong chuyến thăm của ông Lecornu tới một cơ sở công nghiệp quốc phòng gần Paris. Theo đó, Pháp sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống radar Ground Master 200. Đây là hệ thống radar có phạm vi phát hiện mục tiêu lên tới 250km và một tổ hợp radar Ground Master 200 có thể kiểm soát toàn bộ vùng trời thủ đô Kyiv và khu vực phụ cận.
* Philippines cho phép Mỹ mở rộng phạm vi căn cứ quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo CNN, thỏa thuận mới được đưa ra ngày 2-2 cho phép Mỹ mở thêm 4 căn cứ đóng quân sự theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký năm 2014. Theo đó, lực lượng quân đội Mỹ có thể xoay vòng, luân chuyển trong 9 căn cứ đóng quân trên toàn lãnh thổ Philippines.
Phát biểu trong chuyến thăm Manila ngày 2-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin khẳng định Mỹ và Philippines cam kết tăng cường năng lực phòng thủ chung. Tuy nhiên, ông Austin không cung cấp thông tin về địa điểm của 4 căn cứ được mở rộng thêm cho quân đội Mỹ sắp tới.
* Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có ảnh hưởng tới hoạt động của NATO
Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trong các hoạt động của NATO, rõ nhất trong việc quốc hội nước này mới đây tuyên bố sẽ không thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 2 quốc gia duy nhất còn lại trong khối NATO chưa thông qua đơn xin gia nhập khối của 2 nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng cho biết có thể sẽ xem xét đơn của Phần Lan trước khi có bất cứ động thái nào đối với Thụy Điển. Trong một phát biểu trên truyền hình cuối tháng 1, ông Erdogan cảnh báo: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể gửi tới Phần Lan một thông điệp khác [về việc xin gia nhập NATO] nhưng Thụy Điển sẽ sốc khi nhận được thông điệp của chúng tôi. Tuy nhiên, phần Lan cũng không nên mắc phải những sai lầm tương tự như Thụy Điển”.
Quan hệ gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trở nên căng thẳng hơn sau khi Stockholm để xảy ra những vụ việc khiến Ankara không hài lòng, trong đó có việc đốt kinh Ko-ran (Quran) trước cửa đại sứ quán nước này ở Thụy Điển và việc Thụy Điển từ chối giao 120 nhân vật Thổ Nhĩ Kỳ cho là nghi phạm khủng bố. Việc gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này vì thế sẽ còn gặp nhiều khó khăn mặc dù Ankara vẫn để ngỏ khả năng tái khởi động đàm phán với Thụy Điển.
Phản ứng trước động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2-2 một số nghị sĩ Mỹ đã đề nghị Tổng thống Joe Biden đặt điều kiện liên quan việc 2 nước Bắc Âu gia nhập NATO với yêu cầu nâng cấp và mua mới chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Thom Tillis đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về những trở ngại mà Ankara đặt ra đối với Thụy Điển và Phần Lan. Hai ông cho rằng: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ các cam kết của mình trong Bản ghi nhớ ba bên với Phần Lan và Thụy Điển cần được xem xét. Quốc hội không thể thông qua các gói hỗ trợ tiếp theo cho Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc bán chiến đấu cơ F-16, cho đến khi nước này phê chuẩn các đơn [đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan]”.
Trong một diễn biến khác, theo thông báo của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức thắng 2 gói thầu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin tình báo của khối. Việc hiện đại hóa này giúp tối ưu quá trình thu thập, chỉ đạo, xử lý và phân phối thông tin tình báo và quá trình đưa ra quyết định trong nội bộ NATO. Công ty Thổ Nhĩ Kỳ trúng thầu STM không cho biết chính thức giá trị các gói thầu nhưng qua thông báo của Cơ quan Truyền thông và Thông tin NATO (NCI), 2 gói thầu trị giá 31,5 triệu Euro, tương đương 34,2 triệu USD.
Những động thái cả trên phương diện đối ngoại và kinh tế nói trên cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng quyết đoán hơn trong chứng minh tầm ảnh hưởng của mình trong khối NATO. Các cuộc xung đột và hoạt động trong tương lai có liên quan khối hiệp ước này chắc chắn sẽ còn mang lại nhiều lợi ích và mở rộng tầm ảnh hưởng cho Ankara.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo QĐND gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)