Quân sự thế giới hôm nay (2-4): Ai Cập đàm phán mua 100 máy bay FA-50 của Hàn Quốc
Quân sự thế giới hôm nay (2-4) gồm những nội dung : Ai Cập đàm phán mua 100 máy bay FA-50 của Hàn Quốc; Mỹ và Đức hợp tác phát triển bệ phóng tên lửa GMARS; Philippines sắp tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa BRP Miguel Malvar.
Ai Cập đàm phán mua 100 máy bay FA-50 của Hàn Quốc
Ai Cập mới đây đã xác nhận Cairo đang trong giai đoạn đàm phán sâu hơn với Hàn Quốc để mua 100 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 của nước này. Theo Đại sứ Ai Cập tại Seoul Khaled Abdelrahman, các cuộc đàm phán với phía Hàn Quốc về đơn hàng 36 chiếc máy bay FA-50 đầu tiên đang tiến triển tốt sau nhiều tháng. Ông bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận kỹ thuật chi tiết giữa các bên sẽ thành công.

Máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc. Ảnh: Army Recognition
Ai Cập đang theo đuổi dự án mua dòng máy bay huấn luyện tiên tiến này, với con số dự kiến ban đầu là 70 chiếc và hiện đã tăng lên 100 chiếc. Khi thỏa thuận này được hoàn tất, năng lực của lực lượng không quân Ai Cập sẽ được nâng lên đáng kể, đồng thời cũng giúp củng cố mối quan hệ chiến lược giữa Cairo và Seoul.
Máy bay FA-50 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (Korea Aerospace Industries - KAI) phát triển, là dòng máy bay tấn công hạng nhẹ siêu thanh 2 chỗ ngồi, được phát triển từ mẫu máy bay huấn luyện T-50 nổi tiếng. FA-50 được tích hợp các tính năng hiện đại, phù hợp cho cả nhiệm vụ đào tạo phi công và tác chiến. Máy bay có tốc độ tối đa là Mach 1.5 (khoảng 1.850km/giờ) và tầm bay là 2.592km.
Một yếu tố quan trọng để Ai Cập quyết định chọn mua máy bay FA-50 của Hàn Quốc là bởi FA-50 có 70% linh kiện tương đồng với F-16, dòng máy bay chiến đấu chủ lực có trong biên chế của Không quân Ai Cập. Điều này giúp đơn giản hóa công tác hậu cần, bảo trì và bảo dưỡng. Sau khi được bàn giao, FA-50 sẽ thay thế các máy bay Alpha Jet và máy bay K-8E cũ trong biên chế của lực lượng không quân Ai Cập.
Mỹ và Đức hợp tác phát triển bệ phóng tên lửa GMARS
Tập đoàn Rheinmetall (Đức) và Lockheed Martin (Mỹ) vừa giới thiệu hệ thống pháo phản lực phóng loạt di động toàn cầu (GMARS), một bước tiến mới trong lĩnh vực vũ khí tấn công chính xác tầm xa.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt di động toàn cầu (GMARS) trên khung gầm xe chiến thuật Rheinmetall HX3. Ảnh: Rheinmetall
Theo Trung tướng Ben Hodges, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, hỏa lực tầm xa có vai trò quan trọng, ngay cả trong chiến tranh hiện đại. Ông cho rằng các hệ thống như GMARS sẽ mang lại lợi thế nhờ tầm bắn xa, khả năng triển khai nhanh và tính cơ động cao.
Hệ thống GMARS được thiết kế đặt trên khung gầm xe chiến thuật Rheinmetall HX3. Hai ống phóng của GMARS cho phép sử dụng nhiều loại đạn tên lửa, nhất là các loại tên lửa dẫn đường chính xác do hãng Lockheed Martin sản xuất, giúp tấn công chính xác các mục tiêu giá trị cao ở xa.
Hệ thống dẫn đường của GMARS bao gồm công nghệ định vị quán tính kết hợp GPS, cho phép thực hiện các cuộc tấn công chính xác ở cả tầm gần và tầm xa. Tùy thuộc vào loại đạn sử dụng, hệ thống có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 400km và có thể được nâng cấp tầm bắn trong tương lai.
Với trọng lượng chiến đấu dưới 40 tấn, GMARS được lắp đặt trên xe tải chiến thuật Rheinmetall HX, nổi bật với độ bền cao và khả năng cơ động trên mọi địa hình. Xe có thể đạt tốc độ tối đa 100km/giờ và phạm vi hoạt động khoảng 700km, cho phép triển khai nhanh mà không cần phương tiện vận chuyển bổ sung. Với kích thước nhỏ gọn (rộng 2,5m, cao 3,9m, dài 9,8m), GMARS có thể di chuyển trên đường bộ và vận chuyển bằng đường sắt một cách dễ dàng. Đặc biệt, hệ thống có thể khai hỏa mà không cần thêm giá ổn định, nâng cao khả năng "bắn và chạy" để tránh bị phản pháo.
Một điểm nổi bật khác là cần cẩu tích hợp trong hệ thống phóng, cho phép nạp đạn nhanh chóng và an toàn vào bất kỳ thời điểm nào dù ngày hay đêm, bất kể điều kiện thời tiết. Xe được vận hành bởi kíp chiến đấu hai người và có khoang phụ cho người thứ ba. GMARS có độ tương thích linh kiện cao với các loại pháo phản lực M270, HIMARS và Rheinmetall HX.
Philippines sắp tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa BRP Miguel Malvar
Hải quân Philippines sắp tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường BRP Miguel Malvar (FFG-06), chiếc đầu tiên thuộc lớp HDF-3200. Theo hình ảnh được chuyên gia quân sự Max Montero chia sẻ trên nền tảng X, tàu BRP Miguel Malvar đã rời xưởng của Hãng đóng tàu Hyundai Heavy Industries ở Ulsan, Hàn Quốc, và đang trên đường đến bàn giao cho Philippines.

Tàu BRP Miguel Malvar rời xưởng của Hãng đóng tàu Hyundai Heavy Industries ở Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: Max Montero X account
Việc tiếp nhận tàu hộ vệ Miguel Malvar-class đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Hàn Quốc. Tháng 12-2021, Bộ Quốc phòng Philippines đã ký hợp đồng trị giá 556 triệu USD với Hyundai Heavy Industries để đóng hai tàu hộ vệ tiên tiến, thuộc giai đoạn Horizon 2 của chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines.
BRP Miguel Malvar được phát triển dựa trên thiết kế tàu HDC-3100 của Hyundai Heavy Industries, phiên bản nâng cấp từ lớp Jose Rizal. Tàu có chiều dài 118,4m, rộng 14,9m, lượng giãn nước khoảng 3.200 tấn. Động cơ gồm bốn máy diesel MTU STX, cho phép đạt tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ và tầm hoạt động 4.500 hải lý ở tốc độ hành trình 15 hải lý/giờ. Tàu được trang bị sàn đáp và nhà chứa trực thăng, giúp mở rộng khả năng tác chiến.
Về vũ khí, tàu sở hữu hệ thống 16 ống phóng thẳng đứng (VLS) dành cho tên lửa phòng không, hai bệ phóng tên lửa chống hạm LIG Nex1 SSM-700K C-Star (mỗi bệ gồm bốn ống phóng), pháo hạm Oto Melara 76mm, hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần (CIWS) ASELSAN GOKDENIZ 35mm, và bốn súng máy 12,7mm. Trong tác chiến chống ngầm, tàu được trang bị hai cụm ống phóng ngư lôi ba nòng sử dụng ngư lôi K745 Blue Shark.
Hệ thống cảm biến và điện tử bao gồm radar mảng pha chủ động (AESA) IAI EL/M-2258 ALPHA dải S, radar dẫn đường Kelvin Hughes SharpEye, sonar gắn thân tàu Harris Model 997, và hệ thống ngắm bắn quang điện tử Safran PASEO XLR. Các thiết bị này được tích hợp trong hệ thống quản lý tác chiến hiện đại, giúp nâng cao khả năng nhận diện và đối phó với các mối đe dọa trên biển.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.