Quân sự thế giới hôm nay (21-5): Vì sao Mỹ miễn cưỡng đồng ý cho Ukraine tiếp nhận F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (21-5) có những thông tin đáng chú ý sau: Mỹ sẽ theo dõi các thiết bị quay quanh quỹ đạo trái đất bằng công nghệ AI; máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất 'quay đầu' khi bay đến gần biên giới Trung Quốc; Mỹ đã nhất trí sẽ hỗ trợ đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
* Defense One đưa tin Bộ tư lệnh không gian Mỹ mới đây đã thông báo sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi các vật thể quay quanh quỹ đạo.
Theo người đứng đầu Bộ tư lệnh không gian Mỹ, Tướng James Dickinson, số lượng vật thể quay quanh quỹ đạo sẽ bị theo dõi lên đến “hơn 46.000” và việc theo dõi mọi thứ trên quỹ đạo trái đất, từ các vệ tinh đã “nghỉ hưu” cho đến các vệ tinh đang hoạt động... tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi phải “đào tạo” và sử dụng AI vào thực hiện nhiệm vụ tiêu tốn rất nhiều thời gian đó.
Cũng theo Tướng James Dickinson, Bộ tư lệnh không gian Mỹ sẽ khai thác công nghệ AI “ở mức tối đa có thể” để giải phóng nguồn lực con người, cho phép sử dụng lao động con người vào thực hiện các nhiệm vụ khác quan trọng hơn.
* Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất đã được trang bị công nghệ ẩn có khả năng ngăn chặn không cho chúng bị sử dụng để tấn công trở lại Trung Quốc.
Một nguồn tin thân cận với quân đội giấu tên cho biết tất cả các máy bay không người lái chiến đấu và trinh sát của Trung Quốc đã được thiết kế và phát triển để nhận ra một “hàng rào địa điện tử” bao quanh biên giới lãnh thổ Trung Quốc. Nguồn tin này khẳng định: “Đây là công nghệ giám sát đơn giản nhằm đảm bảo máy bay không người lái Trung Quốc xuất khẩu không bị đối phương sử dụng làm vũ khí tấn công đất nước chúng tôi”.
Vào năm ngoái, thông tin này cũng được xác nhận một phần bởi ông Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Baykar - một nhà phát triển máy bay không người lái hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Haluk Bayraktar tiết lộ với tờ EurAsian Times rằng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất luôn “quay đầu khi đến gần biên giới Trung Quốc. Điều này đã khiến một số khách hàng chuyển sang sử dụng các mẫu máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất như TB2”.
Theo chuyên gia quân sự Li Jie tại Bắc Kinh, “tất cả các máy bay không người lái cần được dẫn đường bởi hệ thống định vị toàn cầu GPS do Mỹ sở hữu hoặc hệ thống định vị BeiDou của Trung Quốc. Điều này cho phép các nhà phát triển nhúng thông tin cài đặt vào bên trong phần cứng của nó. Công nghệ ‘giám sát’ sẽ điều khiển để máy bay không người lái ngừng bay hoặc ‘từ chối’ triển khai hỏa lực khi đến gần biên giới Trung Quốc”.
Ông Li cũng cho biết một số máy bay không người lái còn có khả năng tự hủy khi hệ thống “giám sát” được trang bị đã hỏng hoặc bị tháo dỡ.
Trung Quốc hiện là một trong số các quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển máy bay không người lái, chỉ đứng sau Mỹ. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong 10 năm qua, các công ty Trung Quốc đã bàn giao 220 máy bay không người lái cho 16 quốc gia, chủ yếu là ở Trung Đông và châu Phi.
* Vì sao Mỹ miễn cưỡng chấp thuận hỗ trợ đồng minh cung cấp F-16 cho Ukraine?
Sau nhiều tháng Ukraine yêu cầu các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16, Mỹ đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh châu Âu trong việc chấp thuận chuyển giao máy bay chiến đấu này cho Không quân Ukraine. Đó là bởi ngay cả khi không phải là máy bay do Mỹ cung cấp, những chiếc F-16 đang hoạt động ở nước ngoài vẫn cần sự cho phép của Washington mới có thể được chuyển giao cho bất kỳ bên thứ ba nào.
Một quan chức cấp cao chính quyền Ukraine giấu tên cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh cung cấp chiến đấu cơ thế hệ thứ tư hiện đại cho Ukraine, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Theo Tạp chí Hàng không và Vũ trụ, Tổng thống Joe Biden đã thông báo cho các đồng minh về kế hoạch này tại một cuộc họp ngày 20-5 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản.
Cụ thể, “Mỹ sẽ hỗ trợ nỗ lực chung của các đồng minh và đối tác trong huấn luyện phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ thế hệ thứ tư, bao gồm máy bay chiến đấu F-16, nhằm củng cố và cải thiện hơn nữa năng lực của Không quân Ukraine”.
Dù vẫn chưa biết sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-16 từ những nước nào, Ukraine sẽ được Mỹ, Anh, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch hỗ trợ đào tạo phi công. Các khóa huấn luyện sẽ diễn ra tại các địa điểm ở bên trong châu Âu nhưng bên ngoài Ukraine, và sẽ kéo dài nhiều tháng. Quan chức cấp cao chính quyền Ukraine giấu tên “hy vọng khóa đào tạo có thể bắt đầu trong vài tuần tới”.
Trước đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn từ chối cung cấp F-16 và không hỗ trợ vận chuyển máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất ra nước ngoài bởi Mỹ cho rằng một hệ thống tiên tiến và tốn kém như vậy sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian để huấn luyện nhân sự vận hành. Tuy nhiên, quan điểm đó giờ đã thay đổi.
Việc Mỹ chưa muốn viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine có thể một phần nằm ở việc huấn luyện tốn quá nhiều thời gian (từ 18 đến 24 tháng) và tiêu tốn ít nhất 2 tỷ USD. Lý do dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ có thể nằm ở chỗ Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Colin Kahl, người bảo vệ quan điểm không hỗ trợ chuyển giao F-16 cho Ukraine, đã được ấn định sẽ rời nhiệm sở, nghỉ hưu vào tháng 7 tới.
Lý do thứ hai khiến Mỹ ngăn chặn các đối tác châu Âu của mình đào tạo lực lượng vận hành và cung cấp máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng cho Ukraine là loại máy bay chiến đấu này vẫn sẽ đóng vai trò xương sống trong Không quân Mỹ trong nhiều thập kỷ tới và Mỹ sẽ còn tiếp tục cho ra các biến thể hiện đại hóa của F-16. Ngược lại, Anh và Pháp thì không vận hành F-16, trong khi Na Uy, Hà Lan và các nước châu Âu hiện có sử dụng F-16 khác lại gần như đang muốn loại hoàn toàn F-16 khỏi biên chế để thay thế bằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35.
Do vậy, nếu F-16 được triển khai tới Ukraine, Mỹ sẽ là nước chịu rủi ro chính. Không chỉ có khả năng máy bay hoặc công nghệ F-16 có thể rơi vào tay Nga, mà còn có khả năng lớn là máy bay chiến đấu này sẽ bị bắn hạ khi đi vào tác chiến và đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng của F-16 cũng như ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, trong khi điều đó cũng sẽ giúp gia tăng đáng kể uy tín của lực lượng Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)