Quân sự thế giới hôm nay (23-9): Pháp và Đức phát triển xe tăng thế hệ tiếp theo thay thế Leopard 2
Quân sự thế giới hôm nay (23-9-2023) có những thông tin chính sau: Pháp và Đức thúc đẩy dự án xe tăng thế hệ tiếp theo nhằm thay thế xe tăng Leopard 2, Congo đặt hàng máy bay quân sự hạng nhẹ từ Nam Phi, Argentina dự định mua trực thăng 'đã nghỉ hưu' của Mỹ...
* Pháp và Đức thúc đẩy dự án xe tăng thế hệ tiếp theo
Politico cho hay, Pháp và Đức đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy dự án phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới với tên gọi Hệ thống tác chiến chủ lực trên bộ (MGCS).
Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã gặp nhau tại Căn cứ không quân Évreux-Fauville ở phía tây thủ đô Paris của Pháp - nơi đặt một phi đội không vận chiến thuật chung giữa hai nước từ năm 2021 - để tạo động lực chính trị mới cho dự án MGCS sau nhiều năm trì hoãn.
“Tốc độ triển khai dự án thời gian qua rất chậm. Nhưng giờ đây chúng tôi đang tăng tốc. Cuối năm nay, Paris và Berlin sẽ xác định các thành phần chính của dự án và phân công rõ ràng cho mỗi bên tham gia. Dự kiến trong năm tới, chúng tôi sẽ đi đến giai đoạn quyết định là ký kết hợp đồng phát triển, qua đó cho phép các quốc gia khác có thể tham gia vào dự án”, Politico dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nêu rõ. Theo đó, hiện có một số nước như Italy và Hà Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án MGCS.
Từ giờ đến cuối năm 2023, hai bên sẽ cùng thảo luận, đi đến thống nhất về các thông số kỹ thuật của dự án, sau khi quân đội hai nước báo cáo về các yêu cầu để thay thế xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức và xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc của Pháp.
Được biết, dòng xe tăng mới của hai nước sẽ được áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật đột phá, bao gồm cả khả năng xuất hiện phiên bản không người lái. Chúng dự kiến sẽ được đưa vào biên chế quân đội Pháp và Đức trong giai đoạn 2040-2045.
* Congo đặt hàng máy bay quân sự hạng nhẹ từ Nam Phi
Defense Aerospace đưa tin, Congo đã trở thành khách hàng mới nhất của mẫu máy bay hạng nhẹ tiên tiến hiệu năng cao Mwari do tập đoàn Paramount của Nam Phi phát triển, sản xuất.
Trong một thông cáo, Paramount cho biết thỏa thuận trên diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp này chuyển một số trang thiết bị tới Mozambique – quốc gia đang sử dụng máy bay Mwari.
Tuy nhiên, cả nhà thầu Paramount cũng như phía Congo đều chưa tiết lộ số lượng đặt hàng cũng như giá trị của hợp đồng. Dù vậy, đây được xem là một thành công tiếp theo đối với tiềm năng xuất khẩu của dòng máy bay này.
Mwari được coi là máy bay chiến đấu đầu tiên do châu Phi sản xuất, được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ chuyên biệt, từ chống khủng bố, tuần tra biên giới, hỗ trợ hỏa lực cho tới trinh sát và giám sát. “Với kinh nghiệm hàng thập kỷ về nghiên cứu chiến tranh bất đối xứng, chúng tôi đã thiết kế Mwari như một công cụ không chỉ mạnh mẽ mà còn có khả năng thích ứng cực kỳ cao, phù hợp với nhu cầu của quân đội hiện đại ở châu Phi và trên toàn thế giới”, Giám đốc điều hành Paramount Steve Griessel nhấn mạnh về tính năng của máy bay này.
Mwari có 2 chỗ ngồi, chiều dài 10,3m, sải cánh 11,9m, chiều cao 4m, trọng lượng rỗng 2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 3,8 tấn, khối lượng vũ khí mang theo 950kg. Máy bay sử dụng một động cơ cánh quạt cho vận tốc cực đại khoảng 500km/h, tốc độ leo cao 25m/s, tầm bay hơn 2.100km, thời gian bay liên tục 10 giờ cùng khả năng cất hạ cánh ở đường băng ngắn. Máy bay được xây dựng theo lối kiến trúc mở để có thể lắp nhiều loại cảm biến cùng các hệ thống vũ khí như pháo 20mm, tên lửa, bom nhỏ và rocket.
Mới đây, trong khuôn khổ triển lãm quốc phòng DSEI tại London, Anh, đại diện Paramount còn nhấn mạnh hãng đã hoàn tất việc tích hợp “hệ thống vũ khí tiên tiến mới” trên Mwari và dự kiến việc thử nghiệm cũng như đăng ký chứng nhận sẽ được thực hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
* Argentina dự định mua trực thăng “đã nghỉ hưu” của Mỹ
Những chiếc trực thăng Boeing CH-46, vốn đã ngừng hoạt động trong lực lượng lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ, có thể sẽ tiếp tục được bay trên bầu trời. Lần này là với không quân Argentina.
Theo Defense News, trong một tuyên bố với truyền thông địa phương, Chuẩn tướng Xavier Issac, Tư lệnh Không quân Argentina, cho biết đang quan tâm tới lô trực thăng Boeing CH-46 tại cơ sở lưu trữ và bảo quản máy bay lớn nhất thế giới có tên 309th AMARG ở bang Arizona, Mỹ. Ông cũng nói thêm rằng, chính phủ Argentina đã gửi thư yêu cầu tới phía Mỹ về vấn đề trên.
Đồng thời, một phái đoàn của Argentina sẽ đến cơ sở 309th AMARG trong vài tuần tới để kiểm tra tình trạng của những chiếc CH-46 đó, và dự định sẽ liên hệ với Columbia Helicopters, một công ty có trụ sở tại bang Oregon chuyên tân trang, nâng cấp và sửa đổi loại trực thăng này.
Trước mắt, nếu có thể đàm phán mua lại những chiếc Boeing CH-46 cũ, không quân Argentina dự định sử dụng chúng để thay thế cho 2 chiếc trực thăng Mi-17 hiện đã xuống cấp, không thể bay được và cũng không thể bảo dưỡng theo kế hoạch do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Defense News dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự độc lập người Argentina Luis Pinẽiro đánh giá, việc chính quyền Buenos Aires mua những chiếc CH-46 trên và tân trang lại là một “ý tưởng hay”, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của quân đội nước này hiện nay.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.