Quân sự thế giới hôm nay (24-10): Israel nhận 45 chuyến bay viện trợ vũ khí từ Mỹ; Nga sẽ thành lập hạm đội Hồ Ladoga
Quân sự thế giới hôm nay (24-10) có những thông tin chính sau: Israel đã nhận 45 chuyến bay viện trợ vũ khí từ Mỹ; Nga sẽ thành lập hạm đội Hồ Ladoga; Saudi Arabia mua 54 máy bay phản lực Dassault Rafale.
* Bộ Quốc phòng Israel xác nhận đã tiếp nhận 45 chuyến bay chở vũ khí từ Mỹ
Tờ Defense Post ngày 23-10 đưa tin Bộ Quốc phòng Israel xác nhận Mỹ đã thực hiện tổng cộng 45 chuyến bay vận tải quân sự hạng nặng chở nhiều loại vũ khí, trang bị trong đó xe bọc thép tới Israel trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas vẫn đang diễn ra.
Chuyến bay chở hàng thứ 45 của Mỹ đã tới Sân bay Ramon ở miền Nam Israel, mang theo nhiều vật tư quân sự trong có cả thiết bị y tế và xe cứu thương tăng cường cho Lực lượng phòng vệ Israel (IDF).
Trước đó, Washington đã vận chuyển nhiều xe bọc thép đến Jerusalem, thay thế cho những chiếc đã bị hư hỏng hoặc bị thu giữ trong xung đột. Việc chuyển giao vũ khí, khí tài này được cho là giúp sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho IDF trước cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.
Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất Quốc hội thông qua gói viện trợ an ninh chung trị giá 106 tỷ USD cho Israel, Ukraine và cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Mỹ-Mexico, trong đó 14 tỷ USD sẽ được chuyển thẳng đến Jerusalem để hỗ trợ lực lượng trong xung đột với Hamas.
Trong một diễn biến liên quan, lực lượng Hamas ngày 23-10 cho biết đã tấn công 2 căn cứ quân sự Hatzerim và Tze’elim ở phía Nam Israel bằng máy bay không người lái. Quân đội Israel cũng xác nhận đã đánh chặn thành công 2 máy bay không người lái phóng đi từ Dải Gaza. Hiện chưa có thông tin nào về thương vong.
* Nga lên kế hoạch phát triển hạm đội Hồ Ladoga
Theo hãng tin Nga Izvestia, Nga đang có kế hoạch thành lập một căn cứ hải quân nhỏ ở khu vực nhằm đối phó trực tiếp với sự mở rộng của NATO và Hồ Ladoga rất có thể trở thành căn cứ triển khai cho các tàu tên lửa hạng nhẹ của Nga.
Theo thông tin Izvestia tiết lộ, Bộ Quốc phòng Nga đã có nghiên cứu công phu xác định tính khả thi cho việc vận hành và triển khai các hoạt động quân sự ở vùng hồ này. Dựa trên kết luận được rút ra sau nhiều tháng nghiên cứu sâu rộng, người ta nhận thấy một cụm tàu tên lửa nhỏ có thể hoạt động hiệu quả trên Hồ Ladoga. Các chuyên gia quân sự cho rằng động thái này sẽ là biện pháp đối phó thích hợp với sự mở rộng về phía Tây Bắc của NATO do từ vị trí này, các tàu tên lửa hạng nhẹ có thể giám sát các hoạt động ở Phần Lan, Thụy Điển và Estonia một cách hiệu quả.
Theo chuyên gia quân sự Dmitry Boltenkov, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đòi hỏi Nga phải có một phản ứng về mặt kỹ thuật và quân sự. “Hồ Ladoga khá rộng. Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nó từng là nơi đóng quân của đội tàu Ladoga và là trạm dừng chân cho nhiều lực lượng khác sau cuộc chiến. Có vẻ như sử dụng tàu nhỏ là điều rất thực tế, đặc biệt khi xét đến mức độ thông tin tình báo và sự hiểu biết còn hạn chế của NATO đối với khu vực này so với các căn cứ ở vùng Baltic.”
Ladoga là một hồ nước ngọt nằm ở Cộng hòa Karelia và tỉnh Leningrad phía Tây Bắc nước Nga, gần Saint Petersburg. Đây là hồ nước ngọt lớn ở châu Âu, gần tương đương hồ Baikal và được công nhận là vùng nước ngọt lớn thứ 14 trên thế giới. Với diện tích bề mặt trung bình là 17.700 km2, không bao gồm các đảo, Hồ Ladoga có diện tích lớn hơn Kuwait, trải dài 219km từ Bắc tới Nam và có chiều rộng trung bình lên tới 83km. Độ sâu trung bình đo được là 47m, một số điểm ở khu vực Tây Bắc thậm chí còn có độ sâu lên tới 230m.
* Saudi Arabia mua 54 máy bay phản lực Dassault Rafale
Theo Intelligence Online, Saudi Arabia dự tính mua 54 máy bay chiến đấu Rafale từ nhà sản xuất máy bay Dassault Aviation của Pháp. Thông tin cho biết, Saudi Arabia đã chuyển hướng sang mua máy bay chiến đấu Dassault Rafale do Đức không nhất trí cho nước này mua máy bay Eurofighter Typhoon.
Theo đó, việc mua 54 máy bay chiến đấu Rafale đã được Saudi Arabia đề xuất tới các nhà sản xuất Pháp và yêu cầu nhận được phản hồi báo giá trước ngày 10-11 tới. Khả năng Saudi Arabia mua được 54 máy bay Rafale sẽ giúp củng cố vị thế của Pháp trên thị trường quốc phòng Trung Đông và cũng như vị thế của Rafale là một máy bay chiến đấu được khu vực này đặc biệt quan tâm.
Trước đó, năm 2015 và 2021, Ai Cập đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực mua tổng cộng 54 máy bay phản lực Rafale. Qatar cũng chọn mua tổng cộng 36 chiếc Rafale vào năm 2015 và sau đó là năm 2017. Các nguồn thạo tin cũng cho biết Qatar đang xem xét bổ sung thêm 36 máy bay nữa cho lực lượng không quân nước này. Tháng 12-2021, Dassault Aviation cũng nhận được đơn đặt hàng quan trọng và lớn nhất từ trước đến nay từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Theo hợp đồng, UAE nhất trí mua 80 máy bay phản lực Rafale.
Việc nhiều nước khu vực Trung Đông chuyển hướng sang mua máy bay chiến đấu Rafale đặt ra thách thức trực tiếp đối với máy bay Eurofighter Typhoon, một sản phẩm tập thể của các công ty châu Âu bao gồm BAE Systems, Airbus và Leonardo cùng phát triển.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.