Quân sự thế giới hôm nay (24-11): Ấn Độ sẵn sàng sản xuất hàng loạt tên lửa dẫn đường Pinaka

Quân sự thế giới hôm nay (24-11-2024) có những nội dung sau: Ấn Độ sẵn sàng sản xuất hàng loạt tên lửa dẫn đường Pinaka; Pháp đưa tàu hỗ trợ hậu cần Jacques Chevallier vào hoạt động; F/A-18 Super Hornet có hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến.

* F/A-18 Super Hornet có hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến

L3 Harris Technologies vừa thông báo đã đạt được tiến triển quan trọng trong phát triển hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến cho F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ. Được thực hiện dựa trên hợp đồng trị giá 80 triệu USD trao vào năm 2023, dự án này nhằm mục đích nâng cao khả năng phòng thủ của máy bay trước các mối đe dọa. Các cuộc thử nghiệm gần đây đã đánh dấu những bước quan trọng hướng tới việc triển khai hệ thống tinh vi này.

Hệ thống ADVEW đã trải qua thử nghiệm mô phỏng nghiêm ngặt tại Phòng thí nghiệm phòng thủ không quân của Hải quân Mỹ. Trong 5 ngày, hệ thống đã chứng minh khả năng ứng phó với mối đe dọa trong môi trường mô phỏng vòng kín, đáp ứng kỳ vọng về hiệu suất so với các mô hình đe dọa đã được xác thực. Hệ thống ADVEW dự kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng sống sót của F/A-18 trước nhiều mối đe dọa, đảm bảo hiệu quả của hoạt động trong các môi trường ngày càng phức tạp.

F/A-18 đã chứng minh được khả năng sống sót và độ tin cậy và sẽ tiếp tục đóng vai trò là khí tài chiến thuật cho đến khi chuyển đổi sang F-35 theo kế hoạch vào năm 2030. Ảnh: L3 Harris

F/A-18 đã chứng minh được khả năng sống sót và độ tin cậy và sẽ tiếp tục đóng vai trò là khí tài chiến thuật cho đến khi chuyển đổi sang F-35 theo kế hoạch vào năm 2030. Ảnh: L3 Harris

máy bay chiến đấu đa năng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết đầu tiên của Mỹ, F/A-18 Hornet tích hợp cả chức năng chiến đấu và tấn công, khiến phương tiện này phù hợp cho các nhiệm vụ ngăn chặn, hỗ trợ trên không tầm gần và kiểm soát không phận chiến thuật.

Máy bay được trang bị 2 động cơ F404-GE-402, mỗi động cơ tạo ra lực đẩy 17.700 pound, máy bay có thể đạt tốc độ trên 2.095km/giờ và hoạt động ở độ cao trên 15,24km. Với phạm vi chiến đấu là 2.016km và phạm vi vận chuyển là 2.858km, F/A-18 được công nhận về tính linh hoạt và độ bền. Phương tiện này mang theo một kho vũ khí đa dạng, bao gồm pháo M61A1/A2 Vulcan 20mm, tên lửa không đối không như AIM-9 Sidewinder và AIM-120 AMRAAM, và các loại đạn dược dẫn đường chính xác như JDAM và JSOW.

Được trang bị radar tiên tiến, F/A-18 có thể phát hiện và tấn công nhiều mục tiêu trong môi trường phức tạp. Khả năng thực hiện cả nhiệm vụ không chiến và tấn công trong một hoạt động duy nhất đã được chứng minh trong thực chiến. Được biên chế cho Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ, F/A-18 đã chứng minh được khả năng sống sót và độ tin cậy và được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoạt động như một khí tài chiến thuật cho đến khi chuyển đổi sang F-35 theo kế hoạch vào năm 2030.

* Ấn Độ sẵn sàng sản xuất hàng loạt tên lửa dẫn đường Pinaka

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thông báo đã hoàn thành công các cuộc thử nghiệm cho tên lửa dẫn đường Pinaka. Được tiến hành trong 3 giai đoạn ở nhiều trường bắn khác nhau, các cuộc thử nghiệm đã đánh giá được tầm bắn, độ chính xác, tính nhất quán và tốc độ bắn của hệ thống trong các cuộc giao tranh nhiều mục tiêu ở chế độ phóng loạt. Hệ thống hiện đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt và triển khai như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa của Quân đội Ấn Độ.

Phiên bản dẫn đường Pinaka được đánh giá có nhiều cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm. Cụ thể, phiên bản dẫn đường có tầm bắn khoảng 75km, trong khi phiên bản tiền nhiệm chỉ khoảng 40km. Khả năng tấn công mục tiêu cũng được tăng cường, khiến vũ khí này phù hợp với các mục tiêu có giá trị cao như trung tâm chỉ huy hoặc các vị trí kiên cố. Trong khi phiên bản tiền nhiệm mang nhiều đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn nổ mạnh và phân mảnh; Pinaka dẫn đường sử dụng đầu đạn chuyên dụng, được tối ưu hóa cho các nhu cầu hoạt động khác nhau, tầm bắn và độ chính xác cao hơn.

 Ấn Độ đã hoàn thành thành công các cuộc thử nghiệm bay cho tên lửa dẫn đường Pinaka. Ảnh: Army Recognition

Ấn Độ đã hoàn thành thành công các cuộc thử nghiệm bay cho tên lửa dẫn đường Pinaka. Ảnh: Army Recognition

Phiên bản Pinaka gốc, được phát triển để thay thế hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad, đã trải qua những lần nâng cấp đáng kể kể từ khi ra đời vào năm 1986. Các mẫu đầu tiên, như Pinaka Mk-I, có tầm bắn 37,5km, trong khi các phiên bản mới hơn như Mk-I tăng cường và Mk-II mở rộng tầm bắn lên 75km. Ấn Độ hiện đang nỗ lực tiếp tục tăng tầm bắn này của phiên bản lên 90km với các hệ thống hiệu chỉnh quỹ đạo, và những nỗ lực hiện tại nhằm mở rộng tầm bắn lên 120 và 300km.

Mỗi khẩu đội Pinaka dẫn đường có 6 xe phóng, mỗi xe được trang bị 12 tên lửa, 6 xe nạp đạn-tiếp đạn, 6 xe tiếp đạn bổ sung và 2 xe chỉ huy có hệ thống kiểm soát hỏa lực. Một khẩu đội có thể bắn 72 tên lửa trong 44 giây, bao phủ một khu vực rộng khoảng 1.000 x 800m. Các bệ phóng, được lắp trên các phương tiện có tính cơ động cao như xe tải Tatra, có khả năng phòng chống vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học.

Pinaka cũng đã thu hút sự quan tâm của quốc tế. Mới đây, Armenia đã ký hợp đồng mua 4 khẩu đội và tên lửa dẫn đường. Các quốc gia khác, bao gồm Indonesia, Nigeria và Pháp, đã thể hiện sự quan tâm. Quân đội Pháp cũng đang đánh giá hệ thống này để có thể đưa vào kho vũ khí của mình.

* Tàu Jacques Chevallier của Hải quân Pháp chính thức đi vào hoạt động

Army Recognition dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, tàu hỗ trợ hậu cần Jacques Chevallier đã được đưa vào hoạt động.

Jacques Chevallier là tàu đầu tiên trong loạt 4 tàu hỗ trợ hậu cần được thiết kế để hiện đại hóa và nâng cao năng lực hậu cần của Hải quân Pháp. 3 chiếc còn lại sẽ lần lượt được đưa vào hoạt động trong năm 2026, 2028 và 2033. Những tàu này sẽ dần thay thế các tàu chỉ huy và tiếp tế đã cũ của lực lượng hải quân nước này.

Là một phần của chương trình FlotLog, những con tàu này giúp đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức bền của hạm đội trong các đợt triển khai dài ngày, hỗ trợ hiệu quả hoạt động của hạm đội bằng cách cung cấp nhiên liệu, đạn dược, nhu yếu phẩm và hỗ trợ kỹ thuật. Khả năng này cho phép tàu duy trì nhóm tác chiến tàu sân bay tập trung xung quanh tàu sân bay Charles de Gaulle hoặc các đơn vị khác tham gia vào các nhiệm vụ răn đe chiến lược.

 Jacques Chevallier đi vào hoạt động sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Pháp. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp

Jacques Chevallier đi vào hoạt động sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Pháp. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp

Kể từ khi tiếp nhận vào ngày 18-7-2023, Jacques Chevallier hoạt động trong các môi trường khác nhau và đã chứng minh được khả năng. Tàu đã hoạt động 153 ngày trên biển, tham gia huấn luyện liên quân chủng và các cuộc tập trận cường độ cao với hải quân đồng minh. Con tàu đã chứng minh được tính linh hoạt trong hoạt động, thực hiện thành công các nhiệm vụ tiếp tế phức tạp. Đáng chú ý, vào ngày 24-6-2024, tàu đã phối hợp với một khinh hạm đa nhiệm (FREMM) để thực hiện một cuộc diễn tập tiếp tế đạn dược.

Tàu tiếp tế là xương sống của bất kỳ lực lượng hải quân biển nào, cho phép các hoạt động liên tục xa cảng nhà. Chúng cung cấp hỗ trợ thiết yếu về nhiên liệu, đạn dược, phụ tùng thay thế và lương thực, đảm bảo rằng các đơn vị chiến đấu tiền tuyến, chẳng hạn như tàu sân bay, khinh hạm và tàu ngầm, có thể ở trên biển trong thời gian dài.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-24-11-an-do-san-sang-san-xuat-hang-loat-ten-lua-dan-duong-pinaka-804252