Quân sự thế giới hôm nay (24-5): Houthi bắn hạ thêm UAV 'Quái điểu' MQ-9 của Mỹ
Quân sự thế giới hôm nay (24-5-2024) có những nội dung sau: Houthi bắn hạ thêm UAV MQ-9 của Mỹ, Ba Lan giám sát biên giới bằng radar gắn trên khí cầu, Hungary muốn mua tiêm kích JAS-39 Gripen E từ Thụy Điển.
* Houthi bắn hạ thêm UAV MQ-9 của Mỹ
Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” của Mỹ trên không phận tỉnh Al-Bayda ở miền trung Yemen. Trong tuyên bố, đại diện Houthi tiết lộ, UAV này bị tiêu diệt bằng tên lửa phòng không nội địa.
Cùng với đó, Houthi khẳng định sẽ tiếp tục phát triển năng lực phòng thủ và thực hiện các nhiệm vụ quân sự cho đến khi chiến dịch bao vây Dải Gaza của Israel chấm dứt hoàn toàn.
Phía Houthi cũng công bố video phóng tên lửa hạ chiếc UAV trên. Quân đội Mỹ chưa có bình luận về tuyên bố này. Nếu tuyên bố đó chính xác thì đây là chiếc UAV MQ-9 thứ hai bị lực lượng này bắn hạ trong một tuần qua, là chiếc thứ năm bị tiêu diệt kể từ khi Houthi mở chiến dịch hỗ trợ Hamas tại Dải Gaza từ cuối năm ngoái. Với giá khoảng 30 triệu USD một chiếc UAV MQ-9, như vậy Mỹ đã mất tổng cộng 150 triệu USD.
Thời gian qua, quân đội Mỹ thường điều động UAV MQ-9 tiến hành trinh sát tại Trung Đông để thu thập thông tình báo, cũng như hỗ trợ đồng minh Israel trong chiến dịch chống lại lực lượng Hamas tại Dải Gaza. Ngược lại, Houthi - lực lượng hiện kiểm soát phần lớn Yemen và là đồng minh của Hamas tại Trung Đông - lên tiếng ủng hộ Hamas và thực hiện nhiều hành động quân sự bao gồm cả việc bắn hạ UAV của Mỹ.
Được ra mắt lần đầu vào năm 2007, MQ-9 được coi là một trong những UAV mạnh mẽ và nổi tiếng nhất của Không quân Mỹ. Máy bay có thể đạt tốc độ 400km/giờ, tầm hoạt động gần 6.000km, bay liên tục 14 tiếng, trang bị 7 giá treo để mang theo tên lửa hoặc bom, hay các thiết bị chuyên dụng để chế áp hệ thống điện tử đối phương... tùy vào nhiệm vụ.
* Ba Lan giám sát biên giới bằng radar gắn trên khí cầu
Theo Reuters, Ba Lan quyết định chi 960 triệu USD để mua 4 hệ thống radar trinh sát vùng trời và mặt biển (ASRR) gắn trên khí cầu mang tên Barbara từ Mỹ để tăng cường an ninh biên giới.
Sau khi được bàn giao và đưa vào hoạt động đầy đủ trước năm 2027, chúng sẽ được Bộ Quốc phòng Ba Lan triển khai tại các khu vực nằm dọc biên giới phía đông và đông bắc của nước này.
Dựa vào một số thông tin được cung cấp, mẫu radar mà Ba Lan đặt mua từ Mỹ có tầm hoạt động khoảng 300km, có khả năng phát hiện được nhiều loại mục tiêu như máy bay, tên lửa hành trình và tàu mặt nước.
Việc các nước sử dụng khinh khí cầu để thực hiện hoạt động cảnh giới và do thám là không hiếm, ngay cả khi những công nghệ thu thập thông tin tình báo tiên tiến như UAV hay vệ tinh được sử dụng rộng rãi. Ưu điểm của khí cầu là độ cao hoạt động lớn, hoạt động trong nhiều tuần mà không cần tiếp liệu, có chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp. Dẫu vậy, nó cũng có nhược điểm là dễ bị phát hiện do có kích thước lớn và hay gặp các sự cố như rò rỉ khí.
* Hungary muốn mua tiêm kích JAS-39 Gripen E từ Thụy Điển
Tạp chí Jane’s đưa tin, Hungary đang trong quá trình thảo luận để mua thêm tiêm kích JAS-39 Gripen E. Đây là phiên bản mới nhất của dòng máy bay chiến đấu trứ danh JAS-39 Gripen do nhà thầu Saab chế tạo.
Hiện không quân Hungary đang khai thác 14 chiếc JAS-39 Gripen, bao gồm 12 chiếc phiên bản C một chỗ ngồi và 2 chiếc phiên bản D hai chỗ ngồi, cũng như đặt mua thêm 4 chiếc phiên bản C nữa để nâng số máy bay này trong biên chế lên 18 chiếc.
Mặc dù không tiết lộ số lượng mà Hungary muốn mua song các quan chức của hãng Saab chia sẻ rằng, phía Budapest cân nhắc khả năng mua JAS-39 Gripen E để bổ sung vào phi đội hiện tại cũng như đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới. Hiện JAS-39 Gripen là máy bay chiến đấu chiến thuật duy nhất trong kho của Không quân Hungary.
Được phát triển trên cơ sở phiên bản C và D, JAS-39 Gripen E được các chuyên gia đánh giá là mẫu máy bay hạng nhẹ hàng đầu thế giới hiện nay. Thay đổi lớn nhất so với phiên bản cũ là JAS-39 Gripen-E có buồng lái hoàn toàn mới, hiện đại và hiển thị tốt hơn; hệ thống điều khiển bay được cập nhật với gói phần mềm chuyên dụng tương thích với các thiết bị phần cứng vô cùng cao cấp.
JAS-39 Gripen E có 10 giá treo vũ khí, cho phép nó có thể mang nhiều loại tên lửa đối không, bom, rocket và các vũ khí tấn công mặt đất khác. Động cơ phản lực mới có công suất mạnh hơn cho phép nâng tầm hoạt động và tải trọng vũ khí mang theo. Máy bay có chiều dài 15,2m, sải cánh 8,6m, trọng lượng cất cánh tối đa 16,5 tấn, bán kính tác chiến 1.300km, tầm bay tối đa hơn 4.000km. Chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn, máy bay có khả năng cất cánh từ đường băng dã chiến cực ngắn ở vùng địa hình hiểm trở.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.