Quân sự thế giới hôm nay (26-11): Nga tập kích quy mô lớn bằng UAV, Đức cung cấp 'lá chắn thép' Patriot cho Ukraine
Quân sự thế giới hôm nay (26-11) có những nội dung sau: Nga tập kích Ukraine bằng UAV với quy mô lớn chưa từng thấy, Đức cung cấp thêm 'lá chắn thép' Patriot cho Ukraine, tàu khu trục mới của Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa Brahmos.
* Nga tập kích Ukraine bằng UAV với quy mô lớn chưa từng thấy
Theo Politico, ngày 25-11, Nga đã phóng 75 máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed tấn công thủ đô Kiev của Ukraine.
Giới chức Ukraine nhấn mạnh đây là đợt tấn công bằng UAV lớn chưa từng thấy của Nga nhằm vào nước này kể từ khi xung đột bùng phát. UAV của Nga xuất phát từ hai hướng, bay qua ít nhất 6 tỉnh gồm Kiev, Sumy, Dnipro, Zaporizhzhia, Mykolaiv và Kirorograd.
Chỉ huy Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk cho biết, lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ 71 trong tổng số 75 UAV cảm tử Shahed do Nga phóng từ Primorsko-Akhtarsk và Kursk. Ngoài ra, một tên lửa hành trình X-59 (hay còn gọi là Kh-59) cũng bị bắn rơi tại khu vực Dnipro.
Theo Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko, cuộc không kích kéo dài hơn sáu giờ. Các đơn vị tên lửa phòng không, máy bay chiến thuật, hỏa lực cơ động, và các đơn vị tác chiến điện tử của Ukraina đã phối hợp tác chiến nhằm đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
Ông cho biết thêm không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Tuy nhiên, các mảnh vỡ rơi xuống từ UAV bị bắn rơi đã làm hư hại nhiều tòa nhà và khiến 5 người bị thương, trong đó có một bé gái 11 tuổi. Các mảnh vỡ còn gây ra hỏa hoạn ở một nhà trẻ trong khu vực.
Bộ Năng lượng Ukraine cho biết, vụ tấn công của Nga cũng gây thiệt hại cho đường dây dẫn điện trên không, khiến 77 tòa nhà và 120 cơ sở ở trung tâm Kiev bị mất điện. Hơn 12.000 hộ gia đình ở thủ đô tạm thời bị cắt điện.
Phía Nga hiện chưa bình luận về thông tin này.
* Đức cung cấp thêm “lá chắn thép” Patriot cho Ukraine
Theo Army Recognition, ngày 24-11, Đại sứ Đức tại Kiev Martin Jaeger cho biết Chính phủ Đức sẽ viện trợ thêm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine nhằm tăng cường năng lực phòng không của quân đội nước này.
Trước đó, vào đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Đức đã tiết lộ gói viện trợ mới trị giá 1 tỷ euro cho Kiev. Gói viện trợ này dự kiến bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, hệ thống phòng không IRIS-T, và tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard. Ngày 21-11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM sắp được chuyển giao tới Ukraine.
Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của quân đội Mỹ. Trong đó, Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai như một phần trong chiến lược phòng thủ. Hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn các mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật, máy bay và tên lửa hành trình.
Hệ thống tên lửa Patriot gồm 4 bộ phận: Thông tin liên lạc, chỉ huy điều khiển, radar cảnh giới, và radar dẫn đường. Bốn thành phần này được tích hợp linh hoạt, tạo ra một hệ thống có tính cơ động cao.
Một trong những điểm nổi bật của Patriot là hệ thống này được trang bị hệ thống radar AN/MPQ-53/65. Đây là radar mảng pha quét điện tử thụ động, có khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu ở khoảng cách hơn 160km. Bên cạnh đó, radar này còn có khả năng phân biệt các mối đe dọa ảo và thực, từ đó cải thiện độ chính xác của hệ thống.
Tính cơ động của Patriot là một lợi thế của hệ thống. Patriot có thể được triển khai nhanh chóng, thích ứng với mọi sự thay đổi của chiến trường và đảm bảo tính hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết. Tính cơ động này cho phép hệ thống bảo vệ các mục tiêu có giá trị cũng như cung cấp khả năng phòng thủ trên phạm vi rộng.
* Tàu khu trục mới của Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa Brahmos
Trang Defense Blog đưa tin, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mới nhất của Hải quân Ấn Độ INS Imphal đã phóng tên lửa chống hạm Brahmos trúng mục tiêu đã định. Đây là vụ thử nghiệm tên lửa Brahmos tầm xa đầu tiên của tàu chiến này trước khi đưa vào vận hành.
Cả tàu khu trục Imphal và tên lửa Brahmos đều do Ấn Độ tự phát triển. Đây là một dấu mốc mới trong chiến lược ‘Atmanirbhar Bharat’ (Ấn Độ tự cường), đánh dấu bước phát triển lớn của nền công nghiệp quốc phòng, đồng thời khẳng định năng lực quân sự cũng như uy lực hỏa lực trên biển của Hải quân Ấn Độ.
Là sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga, tên lửa Brahmos được trang bị hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động và hệ thống dẫn đường vệ tinh. Tên lửa này có thể mang đầu đạn nặng 200kg, cung cấp hỏa lực đáng kể. Sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn kết hợp nhiên liệu lỏng, Brahmos có thể đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 4, tương đương 4.939,2km/giờ.
INS Imphal là tàu khu trục tên lửa tàng hình lớp Visakhapatnam thứ ba của Hải quân Ấn Độ. Tàu do Cục Thiết kế tàu chiến của Hải quân Ấn Độ (WDB) thiết kế và được đóng tại công ty Mazagon Dock Shipbuilders Ltd., Mumbai. Tàu được hạ thủy ngày 20-4-2019 và bắt đầu đưa vào thử nghiệm trên biển ngày 28-4 năm nay. Sự ra đời của tàu khu trục INS Imphal là một dấu ấn của ngành đóng tàu Ấn Độ và Imphal được xem là một trong những tàu chiến có công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.