Quân sự thế giới hôm nay (3-6): Nga nhận máy bay chiến đấu chuẩn mới Su-34M
Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (3-6) có những thông tin đáng chú ý sau: Nga nhận máy bay chiến đấu chuẩn mới Su-34M; Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine dự Đối thoại Shangri-La; Mỹ đề xuất đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga và Trung Quốc.
* Không quân Nga nhận lô máy bay chiến đấu chuẩn mới Su-34M đầu tiên
Theo Military Watch, Thông cáo báo chí chính thức ngày 2-6 của Tập đoàn UAC của Nga cho biết lô máy bay chiến đấu Su-34 chuẩn mới (Su-34M) đầu tiên đã được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga sau khi vượt qua các cuộc thử nghiệm mặt đất và trên không. Thông cáo cho biết: “Su-34M có phạm vi tác chiến rộng, cho phép sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại từ trên không, có thể tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển trong nhiều điều kiện tác chiến khác nhau với độ chính xác cao”.
Máy bay tiêm kích và ném bom hiện đại Su-34 là một phần quan trọng hình thành sức mạnh tấn công của Không quân Nga. Tháng 8-2022, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo đặt hàng 76 máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn nâng cao Su-34M mới nhất. Đáng chú ý hơn là một số máy bay Su-34 được chuyển giao từ tháng 7-2022 cũng đã được sản xuất theo tiêu chuẩn nâng cao này. Ngoài phiên bản chiến đấu cơ bản Su-34M, các biến thể chuyên dụng cho hoạt động tác chiến điện tử hoặc trinh sát cũng đã được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn UAC Yuri Slyusar, Su-34M có năng lực tác chiến tăng cường gấp đôi so với Su-34 nguyên bản và bắt đầu được đưa vào trang bị cho quân đội Nga từ năm 2014, với tính năng mới nổi bật là các cảm biến được tối đa hóa khả năng nhận định tình huống và khả năng tàng hình hạn chế với tiết diện radar phía trước tương đương với tiết diện của tên lửa hành trình. Mặc dù là một máy bay tiêm kích ném bom, Su-34 có khả năng không chiến mạnh mẽ và là máy bay chiến đấu có tầm hoạt động xa nhất trên thế giới hiện nay, tương đương các máy bay ném bom chiến lược hạng nhẹ như Tu-22M.
* Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine lần đầu tới dự Đối thoại Shangri-La
Theo EuroMaidan, ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã tới dự Đối thoại Shangri-La và có các cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little.
Tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine sẽ thảo luận các vấn đề liên quan hợp tác quân sự và thỏa thuận song phương với những người đồng cấp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Reznikov cũng sẽ gặp gỡ và thảo luận các vấn đề hợp tác với quan chức quốc phòng một số quốc gia NATO tham gia Đối thoại, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin III.
Diễn ra từ ngày 2 đến 4-6, Đối thoại Shangri-La, do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, năm nay sẽ đón tiếp một số đại biểu châu Âu trong bối cảnh "lục địa già" đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Đối thoại cũng sẽ tập trung vào thảo luận những cam kết của châu Âu đối với khu vực châu Á trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực ngày càng quyết đoán, đẩy mạnh mua sắm quân sự và chi tiêu quốc phòng.
Theo DW, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Anh, Hà Lan và Thụy Điển cũng sẽ tham dự Đối thoại.
* Mỹ tìm cách đàm phán hạt nhân ba bên với Nga và Trung Quốc
Trong một nỗ lực nhằm thay đồi tình trạng định trệ về ngoại giao kéo dài nhiều năm, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách khởi động lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga và Trung Quốc mà không cần điều kiện tiên quyết.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, Mỹ muốn thiết lập một khuôn khổ nhằm giảm thiểu vũ khí hạt nhân trước khi hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga (New START) hết hiệu lực. Mỹ đưa ra kêu gọi công khai này với Moscow và Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ với cả 2 quốc gia, đánh dấu bằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và một số bất đồng giữa Mỹ với Trung Quốc.
Theo ông Jake Sullivan, Mỹ sẵn sàng tham gia vào một khuôn khổ song phương trực tiếp hoặc đa phương trong bối cảnh có nhiều lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân mới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ông đưa ra quan điểm: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên đòi hỏi các chiến lược và giải pháp mới để đạt được các mục tiêu: Ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang, giảm nguy cơ nhận thức sai lầm và leo thang căng thẳng, và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn và an ninh, tránh các mối đe dọa hạt nhân”.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)