Quân sự thế giới hôm nay (30-4): Mỹ tăng cường sản xuất đạn pháo phản lực
Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (30-4) có những thông tin đáng chú ý sau: Mỹ tăng cường sản xuất đạn pháo phản lực
* Quân đội Mỹ đặt hàng bổ sung hệ thống pháo phản lực phóng loạt dẫn đường (GMLRS). Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Lockheed Martin sẽ thực hiện hợp đồng trị giá 4,79 tỷ USD này từ nay cho đến 30-10-2026. Số lượng hệ thống phóng loạt và đạn tên lửa GMLRS không được tiết lộ; tuy nhiên, tại dự thảo ngân sách của Lầu Năm Góc cho năm tài khóa 2023, mỗi quả tên lửa GMLRS có giá 167.956 USD. Hợp đồng này được thực hiện theo các kế hoạch của Mỹ trước đó hướng đến tăng cường mua sắm và sản xuất mạnh các loại đạn pháo và tên lửa GMLRS.
Tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lục quân Mỹ Gabe Camarillo cũng cho biết Mỹ đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng sản xuất đạn pháo trong năm 2023. Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch gia tăng năng lực sản xuất đạn pháo trong 6 năm tới. Ông Camarillo tiết lộ Lầu Năm Góc sẽ chi khoảng 1,45 tỷ USD để nâng cấp các cơ sở sản xuất. Các khoản đầu tư này cũng sẽ hướng tới hỗ trợ khả năng phòng thủ của Ukraine bằng pháo binh và bổ sung nguồn dự trữ đạn pháo cho quân đội Mỹ.
GMLRS là hệ thống pháo phản lực phóng loạt dẫn đường có độ chính xác cao cỡ đạn 227mm, được phát triển và sản xuất bởi công ty Lockheed Martin. GMLRS có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 80km nhờ sự dẫn đường của hệ thống định vị toàn cầu cải tiến (GPS) trang bị ăng-ten GPS có khả năng tốt hơn trong chống nhiễu do các hoạt động tác chiến điện tử của đối phương gây ra. GMLRS sử dụng bệ phóng của hệ thống M270 và M142 HIMARS.
Trong một diễn biến liên quan, Lockheed Martin cũng đã nhận được hợp đồng từ Lầu Năm Góc cải tiến hệ thống pháo phản lực phóng loạt và cơ động cao M270 HIMARS thành hệ thống tiêu chuẩn M270A2.
* Triều Tiên cảnh báo một cuộc chạy đua hạt nhân trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tăng cường quan hệ quân sự và cho biết điều này sẽ dẫn đến các hành động "cứng rắn và mạnh mẽ hơn" của Triều Tiên. Trong thông cáo do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa ra, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh: "Chuyến thăm Washington vừa qua của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về nguồn gốc đe dọa hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực... Tuyên bố Washington do Mỹ và Hàn Quốc đưa ra là sản phẩm của chính sách thù địch và xấu xa đối với Triều Tiên. Nó sẽ đặt hòa bình và an ninh của các quốc gia Đông Bắc Á vào vòng nguy hiểm. Vì vậy, động thái này của Mỹ và Hàn Quốc là không được hoan nghênh".
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington hồi đầu tuần, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và người đồng cấp Joe Biden đã thảo luận một số phương thức 2 nước sẽ tiến hành nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ quân sự song phương, bao gồm cả cam kết hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Hai nước đã nhất trí triển khai chiến lược một cách rõ ràng hơn các loại vũ khí, khí tài của Mỹ quanh Bán đảo Triều Tiên và tăng mức độ tham gia của quân đội Mỹ trong các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.
* Cuối ngày 29-4 (giờ địa phương), một công tố viên cho biết chính phủ Burkina Faso đang điều tra về vụ thảm sát xảy ra tại ngôi làng Karma phía Bắc Burkina Faso khiến 136 dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ sơ sinh, thiệt mạng. Theo điều tra sơ bộ, những người sống sót trong vụ thảm sát cho biết đã nhìn thấy nhiều người mang quân phục và cáo buộc lực lượng vũ trang giết chết ít nhất 60 người; số còn lại do phiến quân sát hại. Cả quân đội và chính phủ Burkina Faso đều chưa lên tiếng về cáo buộc này.
Vụ thảm sát tại ngôi làng Karma là vụ tấn công nhằm vào dân thường tồi tệ nhất kể từ khi nổ ra xung đột giữa quân chính phủ với các tay súng phiến quân có liên quan mạng lưới khủng bố Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Vụ tấn công đã bị Liên hợp quốc lên án và yêu cầu mở một cuộc điều tra. Burkina Faso là một trong các quốc gia Tây Phi đang phải vật lộn với bạo lực ngày càng gia tăng do lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan lan sang từ nước láng giềng Mali, làm hàng nghìn người thiệt mạng và hơn hai triệu người phải tìm nơi tị nạn.
Quân đội chính phủ Burkina Faso đã mở nhiều chiến dịch truy quét các phần tử cực đoan nhằm kiểm soát tình hình và thu hồi lãnh thổ do phiến quân chiếm đóng. Tuy nhiên, tình hình bạo lực vẫn chưa hề giảm ở quốc gia Tây Phi này.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)