Quân sự thế giới hôm nay (30-4): Tiêm kích Su-57 của Nga trang bị tên lửa hành trình mới?
Quân sự thế giới hôm nay (30-4) có những nội dung sau: Tiêm kích Su-57 của Nga trang bị tên lửa hành trình mới? Hàn Quốc bước vào cuộc đua tiêm kích thế hệ thứ 6; chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục.
* Tiêm kích Su-57 của Nga trang bị tên lửa bí ẩn
Bulgarian Military dẫn nguồn từ hãng thông tấn TASS của Nga vừa trình chiếu cảnh quay về một tên lửa hành trình chưa được đặt tên, khi Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đến kiểm tra một địa điểm thử nghiệm quân sự, trong đó ám chỉ đến việc tích hợp vũ khí này với tiêm kích Su-57 đang trong biên chế quân đội Nga.
Trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, thông báo này không chỉ để thể hiện sức mạnh mà còn nhằm thúc đẩy năng lực phát triển, sản xuất quốc phòng của Nga.

Tên lửa hành trình mới của Nga được cho là sẽ được tích hợp trên tiêm kích Su-57. Ảnh: Military Informant
Tên lửa hành trình mới hiện vẫn còn là ẩn số. Các quan chức Nga không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về thông số và tính năng của nó, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng nó thiết kế bên ngoài thừa hưởng nhiều chi tiết như tên lửa hành trình Kh-101 - một loại vũ khí tầm xa được Nga sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Blogger quân sự người Nga Kirill Fyodorov nhận xét rằng phần đuôi của tên lửa hành trình mới khá giống với Kh-101 nhưng vẫn có nét khác biệt, cho thấy đây có thể là thiết kế mới hoặc là nguyên mẫu đã được sửa đổi.
Với thiết kế của Su-57, tên lửa này có thể được thiết kế để trang bị bên trong thân máy bay nhằm bảo toàn đặc tính tàng hình, một yêu cầu quan trọng để xâm nhập không phận đối phương. Không giống như tên lửa Kh-101 thường được phóng từ máy bay ném bom chiến lược như Tu-95, tên lửa mới này sẽ cần phải vừa với khoang vũ khí nhỏ gọn của Su-57, do đó nó sẽ sở hữu một kích thước nhỏ hơn Kh-101 hoặc có cánh gập.
* Hàn Quốc bước vào cuộc đua tiêm kích thế hệ thứ 6
Theo Army Recognition, công ty hàng không vũ trụ Hanwha Aerospace của Hàn Quốc đã phát hành một video quảng cáo có hình ảnh động bản concept máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, báo hiệu Seoul chính thức tham gia cuộc đua đang nóng lên này.
Theo đó, Hanwha Aerospace có kế hoạch chế tạo động cơ mới, dựa trên động cơ tuabin khí đang phát triển trong nước cho lô tiêm kích KF-21 Block 3. Công ty tuyên bố rằng các công nghệ hàng không vũ trụ, đặc biệt là động cơ máy bay, được coi là động lực tăng trưởng trong tương lai của hãng.

Hình ảnh đồ họa về tiêm kích thế hệ 6 mà Hàn Quốc đang nghiên cứu. Ảnh: Hanwha Aerospace
Dựa trên hình ảnh được công bố, sản phẩm của Hàn Quốc sẽ có cấu hình cánh tam giác không đuôi, thân máy bay được tích hợp với cấu trúc cánh, không có bộ ổn định thẳng đứng, cho thấy thiết kế tập trung vào việc giảm diện tích phản xạ radar. Máy bay được trang bị động cơ đôi có vòi phun điều hướng lực đẩy và ống xả được che một phần, nhằm giảm tín hiệu hồng ngoại và hỗ trợ tốc độ bay siêu thanh.
Trên thân máy bay không xuất hiện các mấu cứng hoặc vũ khí bên ngoài, cho thấy vũ khí sẽ được mang bên trong máy bay. Nền tảng này dự kiến sở hữu cấu hình có người lái hoặc không người lái. Mặc dù các cảm biến bên ngoài không nhìn thấy được, nhưng các thiết kế trên tiêm kích thế hệ 6 thường bao gồm cảm biến 360 độ, trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và chính xác... Video không tiết lộ các chi tiết kỹ thuật cụ thể về tiêm kích thế hệ 6 nhưng nêu bật chiến lược của Hanwha Aerospace là phát triển dựa trên những tiến bộ hiện có của dòng tiêm kích KF-21.
Điều thú vị là theo thông tin được truyền thông Hàn Quốc công bố vào năm 2024, các quan chức quốc phòng nước này được cho là đã bắt đầu thảo luận với Saudi Arabia về việc cùng phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6 dựa trên nền tảng tiêm kích KF-21.
Army Recognition đánh giá, khi các cường quốc chạy đua để thống trị bầu trời, sự xuất hiện của các nền tảng thế hệ thứ 6 thực sự sẽ xác định lại không chỉ ưu thế trên không mà còn cả quyền lực toàn cầu. Hàn Quốc cũng không là một ngoại lệ.
* Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2024 ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đạt 2.700 tỷ USD, đặc biệt tại châu Âu và Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc chiến và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

Máy bay của Không quân Mỹ bay theo đội hình phía trên tàu sân bay lớp Nimitz USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Hải quân Mỹ
Hơn 100 quốc gia, bao gồm toàn bộ 15 nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, đã tăng ngân sách quốc phòng trong năm ngoái. Tính theo giá trị thực, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp chi tiêu quốc phòng toàn cầu gia tăng.
Khu vực châu Âu, bao gồm cả Nga, đóng góp lớn nhất vào mức tăng này, với tổng chi tiêu đạt 693 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước. Đáng chú ý, riêng chi tiêu quân sự của Nga đã là 149 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi so với năm 2015. Tương tự, chi tiêu quân sự tại Trung Đông cũng tăng mạnh, ước tính đạt 243 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023.
Trong khi đó, Mỹ, quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, đã tăng 5,7% ngân sách quốc phòng, đạt 997 tỷ USD, chiếm 37% tổng chi tiêu toàn cầu và 66% tổng chi tiêu của các nước NATO. Tổng chi tiêu quân sự của 32 nước thành viên NATO đạt 1.500 tỷ USD khi tất cả các thành viên đều tăng ngân sách.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.