Quân sự thế giới hôm nay (4-2): Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, khí tài quân sự
Tức tin quân sự thế giới trong ngày 4-2 ghi nhận nhiều thông tin quan trọng, trong đó có việc Ba Lan mua bổ sung tên lửa Javelin và Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, khí tài quân sự.
* Trong bối cảnh diễn biến tình hình thế giới phức tạp, các quốc gia thành viên NATO đang đứng trước áp lực phải gia tăng chi tiêu quốc phòng. Theo Foreign Policy, nhiều nước trong khối đang hối thúc các thành viên NATO còn lại tăng tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng từ tối thiểu 2% lên 2,5% hoặc thậm chí là 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Động thái này sẽ khiến chi tiêu quốc phòng trong khối tăng thêm hàng trăm tỷ USD trong thời gian tới nếu được thông qua.
Ý tưởng này được đưa ra bởi một số nước Đông Âu nhưng rất có thể sẽ bị các nước Tây Âu phản đối do các nước này vốn đã đang phải rất khó khăn mới đáp ứng được mức chuẩn 2% GDP của NATO thống nhất đưa ra năm 2014 sau vụ việc xảy ra ở bán đảo Crimea. Tuy nhiên, các nước Đông Âu vẫn hy vọng đề xuất này sẽ được thảo luận cụ thể vào cuộc họp tiếp theo của khối dự kiến diễn ra vào ngày 14-2 tới bởi trên thực tế đã có một số nước chi tiêu nhiều hơn con số chung là 2% GDP, trong đó có Mỹ (trên 3%), Ba Lan (4%).
* Qatar tăng cường tiềm lực hải quân với hợp đồng đóng tàu lên tới 5,9 tỷ USD. Thông tin từ Breaking Defense ngày 3-2 cho biết sau khi hạ thủy tàu đổ bộ mới nhất Al Fulk tại Italy ngày 24-1 vừa qua, Bộ Quốc phòng Qatar thông báo sẽ sớm đưa tàu đổ bộ Al Fulk vào biên chế và hoạt động bảo vệ vùng biển của mình. Đây là tàu đổ bộ thứ 2 trong lô 7 chiếc trong hợp đồng Qatar ký kết với hãng đóng tàu Fincantieri của Italy. Tàu đổ bộ Al Fulk dài 143m, rộng 21,5m, chở được 550 binh sĩ và một số phương tiện chiến đấu và một xuồng đổ bộ cơ giới, sẵn sàng được triển khai bằng hệ thống trục neo.
* United Defense Technology (nhà phân phối của Nexter tại Thái Lan) ngày 4-2 công bố một số hình ảnh lô 6 khẩu lựu pháo 105mm LG1 Mk III đầu tiên được bàn giao cho Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Pháo 105mm LG1 Mk III được thiết kế đặc biệt cho các lực lượng cần triển khai hỏa lực nhanh. Pháo chắc chắn, dễ vận hành và có khối lượng nhẹ, được kéo bởi một chiếc Land Rover Defender đời mới. Dự án mua lựu pháo 105mm từ United Defense Technology của Thái Lan có giá trị hơn 834 triệu Baht (tương đương gần 27 triệu USD) sẽ thay thế một phần hệ thống lựu pháo 105mm đã già cỗi của quân đội quốc gia Đông Nam Á này.
* Theo Defence 24, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Ba Lan mới ký hợp đồng mua bổ sung hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai Javelin. Theo đó, Ba Lan sẽ mua thêm 50 hệ thống phóng tên lửa Javelin đi kèm 500 quả tên lửa Javelin FGM-148F cùng phiên bản nước này đã mua trong đợt đầu của chương trình và một gói dịch vụ huấn luyện và hậu cần bổ sung. Như vậy, hợp đồng này sẽ đưa tổng giá trị chương trình lên 158 triệu USD và thời hạn bàn giao toàn bộ hệ thống vũ khí, khí tài đi kèm sẽ kết thúc vào năm 2026.
Người phát ngôn Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Ba Lan, Trung tá Krzysztof Płatek cho biết Ba Lan cũng đã đặt hàng mua một lô bắn thử tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai Pirat. Bước tiếp theo là tiếp tục theo đuổi thực hiện Chương trình Pustelnik (chương trình mua sắm hỏa lực chống tăng của Ba Lan) cho phép phát triển các hệ thống chống tăng dẫn đường cầm tay nội địa theo năng lực công nghiệp của nước này.
* Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, khí tài quân sự
Từ năm 2015 trở lại đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí và khí tài quân sự hàng đầu ở châu Á.
Mới đây, trang Defense News ngày 4-2 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn hệ truyền động (hộp số) của Hàn Quốc cho xe tăng Altay của nước này. Theo đó, trong tuần này nhà thầu quốc phòng Hàn Quốc SNT Dynamics sẽ cung cấp hộp số tự động 1.500 mã lực EST15K cho động cơ xe tăng Altay bản địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà thầu SNT Dynamics cho biết điều khoản hợp đồng trị giá 74,9 triệu USD quy định Hàn Quốc sẽ cung cấp hộp số EST15K cho Thổ Nhĩ Kỳ từ nay cho đến hết năm 2027. Hợp đồng có thể tiếp tục được ký kết bổ sung, tăng thêm 141 triệu USD và hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2028 đến 2030.
SNT cho biết thỏa thuận đã được ký kết sau khi hệ thống truyền động của nhà thầu này vượt qua các bài kiểm tra gắt gao và đánh giá trên thực địa hồi năm ngoái. Theo SNT thì “Đây là một thành công lớn và có giá trị sau khi sản phẩm vượt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt như chạy 200km/ngày vượt địa hình khó đi trong điều kiện ban đêm”.
Trước đó, đối tác sản xuất xe tăng Altay cũng đã ký hợp đồng mua động cơ diesel DV27K do tập đoàn Hyundai Doosan của Hàn Quốc sản xuất để trang bị cho xe tăng này. Dự kiến, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận 2 chiếc Altay đầu tiên vào tháng 5-2023, sau đó sẽ nhận mỗi tháng 8 chiếc trong lô đầu tiên gồm 100 chiếc. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch sản xuất 1.000 chiếc Altay trước khi chuyển sang sản xuất phiên bản không người lái.
Không chỉ cung cấp động cơ hay các hệ thống phụ trợ, Hàn Quốc còn “đặt cược” vào nhiều hệ thống vũ khí, khí tài khác. Hàng loạt vũ khí, khí tài như tiêm kích KF-21 Boramae, máy bay huấn luyện quân sự T-50, hay trực thăng KUH-1 Surion... đang dần chiếm chỗ đứng trên thị trường toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò của Hàn Quốc trong bản đồ xuất khẩu vũ khí thế giới.
Trong thời gian chưa đầy 10 năm, từ chỗ phải nhập khẩu, Hàn Quốc đã nhanh chóng lọt top 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2016-2020 Hàn Quốc xếp thứ 9 về xuất khẩu vũ khí, vượt qua nhiều quốc gia khác như Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo QĐND gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)