Quân sự thế giới hôm nay (4-4): Ấn Độ đặt hàng thêm pháo tự hành K9
Quân sự thế giới hôm nay (4-4) gồm những nội dung sau: Ấn Độ đặt hàng thêm pháo tự hành K9; Hy Lạp sẽ đầu tư 27 tỷ USD hiện đại hóa quân đội; Trung Quốc lần đầu sử dụng tên lửa KD-21 trên máy bay ném bom H-6K.
Ấn Độ đặt hàng thêm pháo tự hành K9 Vajra-T
Ngày 3-4-2025, công ty quốc phòng Larsen & Toubro (L&T) của Ấn Độ đã ký hợp đồng mới với công ty Hanwha Aerospace của Hàn Quốc để mua các linh kiện phục vụ cho kế hoạch sản xuất 100 pháo tự hành K9 Vajra-T. Bản hợp đồng trị giá 253 triệu USD được ký kết trong một buổi lễ tổ chức tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở thủ đô New Delhi.

Pháo tự hành K9 Vajra-T của Lục quân Ấn Độ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ
Đơn đặt hàng mới nâng tổng số lượng pháo tự hành K9 Vajra-T có trong biên chế Lục quân Ấn Độ lên 200. Hợp đồng lần này cũng tăng tỷ lệ nội địa hóa lên khoảng 60%. Điều này được thực hiện trong khuôn khổ các thỏa thuận chuyển giao công nghệ đã được khởi xướng từ năm 2012 giữa Samsung Techwin và Larsen & Toubro, cho phép sản xuất theo giấy phép với các hệ thống phụ trợ nội địa như hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS), hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống bảo vệ trước vũ khí hạt nhân, sinh hóa, và hệ thống kiểm soát môi trường xung quanh.
K9 Vajra-T là biến thể pháo tự hành K9 Thunder được thiết kế dành riêng cho Ấn Độ. Dòng pháo tự hành này đã được Bộ Quốc phòng Ấn Độ lựa chọn vào năm 2015. Các thử nghiệm mà K9 Vajra-T phải trải qua bao gồm kiểm tra hoạt động tại sa mạc và khu vực có độ dốc lớn, bắn 587 viên đạn do Ấn Độ sản xuất, và di chuyển hơn 1.000 km. Sau khi đánh giá toàn diện, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 100 khẩu pháo tự hành K9 Vajra-T đầu tiên vào ngày 21-4-2017, với tổng giá trị 310 triệu USD. 10 khẩu pháo tự hành K9 Vajra-T đầu tiên được sản xuất tại Hàn Quốc, trong khi 90 khẩu còn lại được lắp ráp tại Ấn Độ bởi công ty Larsen & Toubro.
Hy Lạp sẽ đầu tư 27 tỷ USD hiện đại hóa quân đội
Hy Lạp sẽ đầu tư 25 tỷ Euro (tương đương 27 tỷ USD) để hiện đại hóa quân đội theo hướng phục vụ chiến tranh công nghệ cao trong vòng một thập kỷ tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Dendias cho biết kế hoạch hiện đại hóa sẽ xoay quanh một hệ thống phòng thủ có tên gọi “Lá chắn Achilles” (Achilles Shield). Theo đó, nước này dự định chuyển từ các hệ thống phòng thủ truyền thống sang một chiến lược phòng thủ sử dụng công nghệ cao có tính kết nối, tập trung vào hệ thống tên lửa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ máy bay không người lái và các hệ thống chỉ huy hiện đại.

Máy bay chiến đấu F-16 của Hy Lạp thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Defense News
Kế hoạch này cũng bao gồm việc nâng cấp trang bị của binh sĩ với hệ thống các cảm biến và thông tin liên lạc hiện đại, đồng thời phát triển các thiết bị liên lạc vệ tinh chuyên dụng để đảm bảo kết nối liên tục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Kế hoạch hiện đại hóa quân đội sẽ được trình bày trước các nghị sĩ trong những phiên họp kín trong vài tuần tới. Nội dung của kế hoạch cũng bao gồm việc tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ trong nước và một cuộc tái cấu trúc quy mô lớn về lực lượng như sáp nhập các đơn vị, đóng cửa các căn cứ ít được sử dụng, và giải quyết tình trạng bộ máy chỉ huy quá cồng kềnh.
Kế hoạch hiện đại hóa của quân đội của Hy Lạp được triển khai sau nhiều năm trì hoãn vì vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng do khủng hoảng tài chính giai đoạn 2010-2018. Hiện tại, kế hoạch này đã bao trùm tất cả các lĩnh vực của lực lượng vũ trang và đang tập trung hướng vào các chương trình hợp tác cùng Pháp, Israel và Mỹ.
Trung Quốc lần đầu sử dụng tên lửa KD-21 trên máy bay ném bom H-6K
Theo Army Recognition, những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy một máy bay ném bom H-6K thuộc Sư đoàn ném bom số 10 của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF), mang theo hai tên lửa đạn đạo KD-21 trong một cuộc diễn tập quân sự. Đây là lần đầu tiên một máy bay ném bom chiến thuật được trang bị tên lửa đạn đạo KD-21.

Máy bay ném bom H-6K thuộc Sư đoàn ném bom số 10, Không quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc mang theo hai tên lửa đạn đạo KD-21 trong một cuộc diễn tập quân sự. Ảnh: Army Recognition
Máy bay ném bom H-6K là phiên bản hiện đại hóa của nguyên mẫu máy bay ném bom H-6, vốn được phát triển từ dòng máy bay ném bom Tupolev Tu-16 của Liên Xô trước đây. H-6K đã trải qua nhiều nâng cấp quan trọng, bao gồm động cơ phản lực cánh quạt D-30KP2 do Nga sản xuất, giúp tăng hiệu suất nhiên liệu và phạm vi hoạt động. Ngoài ra, máy bay được trang bị buồng lái hiện đại với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, cùng thân vỏ được gia cố bằng vật liệu nhẹ để giảm trọng lượng. Những cải tiến này giúp H-6K có bán kính hoạt động lên tới 3.500 km.
Tên lửa đạn đạo KD-21 là vũ khí tương đối mới trong kho vũ khí của Trung Quốc, lần đầu tiên được công khai tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2022. Tên lửa này được phát triển từ YJ-21 hoặc CM-401, hai loại tên lửa đạn đạo chống hạm có khả năng tấn công với độ chính xác cao. KD-21 được cho là có thể đạt tốc độ siêu vượt âm, dao động trong khoảng Mach 4 đến Mach 6, với tầm bắn tối đa lên tới 1.500 km tùy thuộc vào điều kiện phóng. Tên lửa được thiết kế với hệ thống dẫn đường tiên tiến, có thể tấn công cả mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Một máy bay ném bom H-6K có thể mang theo tối đa 4 tên lửa KD-21 trong một lần xuất kích. Việc triển khai tên lửa đạn đạo từ trên không sẽ làm tăng độ khó cho các hệ thống phòng không của đối phương, vì các vũ khí này có thể được phóng từ nhiều vị trí khác nhau với các quỹ đạo khó đoán định.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.