Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
* Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16?
Chính phủ Peru vừa xác nhận mua 24 tiêm kích Gripen E/F từ Tập đoàn Saab của Thụy Điển, với tổng giá trị ước tính 3,5 tỷ USD. Thương vụ này nhằm thay thế các phi đội Mirage 2000 và MiG-29 của Không quân Peru, đánh dấu bước tiến lớn trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân của nước này.
Theo đó, thỏa thuận được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ dùng khoản vay trong nước trị giá 2 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Peru, đã được đưa vào ngân sách quốc gia năm 2025. Giai đoạn 2, trị giá 1,5 tỷ USD còn lại, dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2026. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson dự kiến sẽ tới Lima vào ngày 10-7 để ký kết thỏa thuận liên chính phủ với người đồng cấp Peru Walter Astudillo Chávez.

Peru đã chọn tiêm kích Gripen E thay vì F-16 Block 70 của Mỹ và Rafale F4 của Pháp nhờ chi phí thấp hơn và thời gian bàn giao ngắn hơn. Ảnh: Không quân Thụy Điển
Theo Army Recognition, Gripen E được chọn thay cho F-16 Block 70 của Mỹ và Rafale F4 của Pháp nhờ mức giá cạnh tranh hơn, với chi phí khoảng 110-120 triệu USD/chiếc, thấp hơn nhiều so với sản phẩm của Mỹ và Pháp, vốn được định giá từ 170-240 triệu USD/chiếc. Bên cạnh đó, thời gian bàn giao của Saab cũng nhanh hơn, chỉ 24 tháng kể từ khi ký hợp đồng (trong khi các đối thủ cần tới 60 tháng). Phía Peru yêu cầu bàn giao ít nhất 2 chiếc đầu tiên trước tháng 7-2026 nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập không quân nước này.
Gripen E là tiêm kích đa năng thế hệ 4.5, được trang bị radar mảng pha chủ động Raven, động cơ F414G, hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và có khả năng mang nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa Meteor, IRIS-T, AIM-9X, AGM-65 Maverick và bom dẫn đường GBU. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 16.500kg, bán kính chiến đấu 1.303km, tầm bay tối đa lên tới 4.000km, có thể cất/hạ cánh trên đường băng ngắn (500m cất cánh và 600m hạ cánh). Gripen E cũng được trang bị pháo 27mm Mauser BK27 và thực hiện tốt các nhiệm vụ trinh sát, tác chiến điện tử.
Dù bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế, Gripen E vẫn được cho là giải pháp hiệu quả và linh hoạt trong bối cảnh ngân sách hạn chế. Nếu hợp đồng được hoàn tất, Peru sẽ trở thành quốc gia thứ ba ở Mỹ Latin sở hữu Gripen, sau Brazil và Colombia.
* Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM
Bộ Quốc phòng Litva xác nhận đã ký hợp đồng trị giá 28 triệu Euro với Tập đoàn MESKO S.A. của Ba Lan để mua hệ thống tên lửa vác vai GROM.
Đây được đánh giá là bước đi chiến lược nhằm củng cố năng lực phòng không tầm ngắn của Litva trong bối cảnh căng thẳng an ninh tiếp tục gia tăng ở sườn Đông NATO.
Thương vụ cũng phản ánh rõ định hướng của Litva trong việc xây dựng mạng lưới phòng không đa tầng nhằm đối phó hiệu quả với các mối đe dọa trên không ngày càng phức tạp, đặc biệt là từ các máy bay không người lái (UAV) và máy bay bay thấp.

Việc mua GROM khẳng định quyết tâm của Litva trong việc tăng cường hệ thống phòng thủ nhiều lớp của mình. Ảnh: MESKO
GROM là hệ thống tên lửa vác vai được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay thấp như trực thăng, UAV và máy bay yểm trợ tầm thấp. Tên lửa sử dụng đầu dò hồng ngoại, động cơ nhiên liệu rắn một tầng, có thể đạt tốc độ 650m/s, với tầm bắn hiệu quả 5,5km và trần bay 3,5km. Đầu đạn nặng 1,35kg có sức công phá cao, cho phép tiêu diệt chính xác các mục tiêu trên không trong môi trường chiến đấu hiện đại.
GROM sẽ là lớp phòng thủ tầm thấp, bổ trợ cho các hệ thống tầm trung và tầm xa mà Litva đã mua gần đây như NASAMS của Na Uy và IRIS-T SLM của Đức. Sự kết hợp này tạo nên một mạng lưới phòng không đa tầng linh hoạt, cơ động cao, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa trên không ngày càng phức tạp.
* Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento
Công ty MightyFly của Mỹ mới đây đã thực hiện trình diễn mẫu UAV vận tải Cento cho Không quân Mỹ. Sản phẩm này nằm trong khuôn khổ một sáng kiến nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến từ khu vực tư nhân vào quốc phòng.
Trong cuộc thử nghiệm, Cento đã tự động nạp 2 kiện hàng lớn, bay đến địa điểm thả hàng, hạ cánh, dỡ hàng và tiếp tục hành trình đến điểm tiếp theo mà không cần người điều khiển. Toàn bộ quy trình do hệ thống Quản lý tải hàng tự động (ALMS) của MightyFly đảm nhiệm, bao gồm tính toán tải trọng, cân bằng, đóng mở khoang chứa và xử lý kiện hàng.
Cento là UAV cất/hạ cánh thẳng đứng sử dụng động cơ lai điện-xăng. Máy bay dài 4m, sải cánh 5,1m, có trọng lượng không tải 180kg và trọng lượng cất cánh tối đa 249kg. Được trang bị 8 cánh quạt nâng cố định và 1 cánh quạt đẩy phía sau, nền tảng này có thể bay xa 966km với tốc độ hành trình 240km/giờ. Khoang chứa hàng có sức chứa tối đa 45kg, tương đương 212 kiện hàng tiêu chuẩn của bưu điện Mỹ.

Với 9 động cơ, UAV Cento có thể bay xa tới 966km với tốc độ hành trình 240km/giờ. Ảnh: MightyFlight
Điểm nổi bật của Cento là khả năng hoạt động hoàn toàn tự động, từ khâu nạp hàng đến điều hướng và giao hàng. Máy bay không cần trạm sạc hay sân bay cố định, chỉ cần diện tích hạ cánh rất nhỏ (chỉ bằng 2-3 chỗ đỗ xe). Đây là lợi thế lớn trong các nhiệm vụ khẩn cấp hoặc ở vùng sâu, vùng xa, nơi hạ tầng hậu cần hạn chế.
MightyFly đã bắt đầu thử nghiệm bay Cento từ cuối năm 2022 và giới thiệu nguyên mẫu thế hệ thứ ba vào tháng 1-2024. Máy bay đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp phép bay thử nghiệm giữa hai sân bay New Jerusalem và Byron (California) ở độ cao 1.524m.
Tính đến giữa năm 2025, Cento đã hoàn thành hơn 30 chuyến bay tự động, trong đó có các thử nghiệm vượt tầm nhìn để đánh giá khả năng điều khiển đường dài, hệ thống tránh va chạm và hiệu quả bay.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.