Quân sự thế giới hôm nay (8-11): Sản lượng tên lửa của Nga tăng mạnh; F-16 của Hà Lan tới Romania huấn luyện phi công Ukraine
Quân sự thế giới hôm nay (8-11) có những thông tin chính sau: Sản lượng tên lửa của Nga tăng mạnh; máy bay chiến đấu F-16 của Hà Lan tới Romania huấn luyện phi công cho Ukraine; thị trường tác chiến điện tử sẽ vượt mốc 26,65 tỷ USD vào năm 2030.
* Tốc độ sản xuất tên lửa của Nga nhanh hơn dự báo
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), kho tên lửa chính xác cao của quân đội Nga dường như đang tăng lên nhanh chóng, vượt mức ước đoán trước đó.
Tờ Interfax Ukraine ngày 7-11 dẫn lời người phát ngôn Tổng cục Tình báo quân sự Ukraine (GUR) Vadym Skibitskyi cho biết lực lượng vũ trang Nga hiện có khoảng 870 tên lửa chiến lược và tên lửa chính xác cao trong kho dự trữ. Trước đó, ngày 28-8, ông Skibitskyi đưa ra ước tính lực lượng vũ trang Nga có tổng cộng 585 tên lửa tầm xa trong kho dự trữ. Như vậy, chỉ hơn 2 tháng sau khi đưa ra nhận định nói trên, con số tên lửa dự trữ ước tính của Nga đã tăng thêm 285.
Số liệu của GUR đưa ra ngày 6-11 cũng cho biết lực lượng vũ trang Nga đã sản xuất 115 tên lửa tầm xa chính xác cao trong tháng 10, trong đó có 30 tên lửa hành trình Iskander-M, 12 tên lửa hành trình Iskander-K, 20 tên lửa hành trình Kalibr, 40 tên lửa hành trình Kh-101, 9 tên lửa hành trình Kh-32 và 4 tên lửa đạn đạo Kinzhal.
Như vậy, có thể thấy thông tin ông Skibitiskyi đưa ra ngày 28-8 cho rằng các doanh nghiệp quốc phòng Nga đang gặp khó khăn trong sản xuất các loại tên lửa do thiếu linh kiện là chưa hoàn toàn thuyết phục.
* F-16 của Hà Lan đã tới Romania phục vụ huấn luyện phi công Ukraine
Theo Romania Insider, 5 chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hoàng gia Hà Lan đã hạ cánh tại căn cứ không quân Fetești của Bộ Quốc phòng Romania (MApN) vào ngày 7-11. Theo thông báo của MApN, 5 chiếc F-16 nói trên sẽ được sử dụng để đào tạo phi công cho Ukraine và một số nước NATO tại Trung tâm Đào tạo châu Âu (EFTC) sắp khai trương ở Romania.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cũng xác nhận thông tin này trên trang mạng xã hội chính thức X (Twitter trước đây) như sau: “Hôm nay, 5 chiếc F-16 của Hà Lan sẽ hạ cánh tại căn cứ không quân Fetești ở Romania. Trung tâm huấn luyện F-16 dành cho phi công từ Ukraine và các nước NATO sẽ sớm khai trương”.
Theo MApN, trong tương lai EFTC sẽ là trung tâm đào tạo phi công quốc tế vận hành máy bay F-16, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng tương tác giữa các các nước đồng minh NATO.
Thông cáo báo chí của Romania về nội dung này có đoạn: “Theo thỏa thuận hợp tác, Bộ Quốc phòng Romania sẽ cho phép sử dụng Căn cứ Không quân số 86 làm cơ sở đào tạo, cung cấp trang thiết bị huấn luyện và hỗ trợ từ quốc gia sở tại. Không quân Hoàng gia Hà Lan sẽ có trách nhiệm cung cấp máy bay F-16 và Công ty Lockheed Martin đảm bảo lực lượng hướng dẫn và bảo trì”.
EFTC cũng sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình đào tạo phi công Romania trong bối cảnh Quân đội Romania đang chuẩn bị tiếp nhận 32 máy bay F-16 mới mua từ Na Uy.
* Thị trường tác chiến điện tử sẽ vượt mốc 26,65 tỷ USD vào năm 2030
Một nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường SNS Insider cho thấy thị trường tác chiến điện tử (EW) hiện đang có mức tăng trưởng mạnh. Theo nghiên cứu này, thị trường EW năm 2022 đạt mức 19,02 tỷ USD và dự báo mức tăng trưởng sẽ đạt mức 26,65 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 4,31% trong giai đoạn 2023-2030.
Tác chiến điện tử là một lĩnh vực hoạt động quân sự đa dạng, bao gồm nhiều hoạt động, chiến thuật và công nghệ được thực hiện nhằm kiểm soát phổ điện từ và khai thác tần số để đạt được các lợi thế về chiến lược và chiến thuật. Tác chiến điện tử tập trung vào sử dụng năng lượng điện từ để phá hoại, làm suy giảm hoặc làm hỏng các hệ thống khí tài điện tử của đối phương như radar và các thiết bị thông tin liên lạc. Ngoài ra, hoạt động tác chiến điện tử cũng góp phần thu thập thông tin tình báo, cho phép chỉ huy đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.
Thị trường tác chiến điện tử được thúc đẩy chủ yếu bởi những tiến bộ công nghệ, việc các quốc gia gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, và sự xuất hiện của nhiều mối đe dọa trên bộ cũng như nhu cầu kiểm soát phổ tần số ngày càng tăng. Các giải pháp mới và sáng tạo như tác chiến điện tử tri nhận và công nghệ trí tuệ nhân tạo đang nâng cao hiệu quả của các hệ thống tác chiến điện tử hiện nay. Những tiến bộ này đang buộc các lực lượng quốc phòng trên toàn thế giới phải đầu tư mạnh hơn vào hiện đại hóa năng lực tác chiến điện tử của mình.
Kết quả là một phần đáng kể ngân sách quốc phòng đã được tập trung cho lĩnh vực này nhằm mục đích tăng cường an ninh quốc gia. Việc tăng cường chi tiêu nói trên đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của thị trường, cho phép các quốc gia cũng như các nhà thầu quốc phòng phát triển và mua đi bán lại các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhất. Sự phát triển của các hệ thống tác chiến điện tử đến lượt nó lại khiến cho các mối đe dọa điện từ ngày càng trở nên phức tạp hơn, trong đó các đối tác, đối tượng không ngừng thích nghi, đòi hỏi các quốc gia liên tục phải phát triển các công nghệ tiên tiến để chống lại các mối đe dọa mới nổi một cách hiệu quả. Tất cả những yếu tố này đã góp phần làm tăng trưởng đáng kể thị trường tác chiến điện tử hiện nay và trong tương lai.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.