Quân sự thế giới hôm nay (8-2): Hải quân Ấn Độ tạo dấu mốc mới

Tin quân sự thế giới ngày 8-2 tập trung vào các thông tin quan trọng về cuộc Diễn tập hải quân Hòa bình đa phương AMAN-2023 và dấu mốc mới trong lịch sử Hải quân Ấn Độ khi thực hiện chuyến bay từ tàu sân bay sản xuất trong nước đầu tiên bằng chính máy bay nội địa của mình.

* Hải quân Pakistan đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập Hòa bình đa phương AMAN-2023 với khẩu hiệu “Cùng nhau hướng tới hòa bình”. Cuộc diễn tập sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 14-2 tại Karachi. Tại họp báo chính thức hôm 7-2, Hải quân Pakistan cho biết cuộc diễn tập sẽ có sự tham gia của 52 nước. Theo đó, “Quan chức cấp cao hải quân nhiều quốc gia cũng sẽ đến Karachi để tham dự”.

Mục tiêu cốt lõi của cuộc diễn tập là thể hiện hình ảnh tích cực của Pakistan, củng cố vị thế của Hải quân nước này trong lĩnh vực hàng hải và tăng cường khả năng tương tác với hải quân các nước trong và ngoài khu vực, đồng thời thể hiện cam kết hòa bình của Pakistan. Diễn tập hải quân đa quốc gia AMAN được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007.

Hải quân Pakistan đang chuẩn bị cho Diễn tập AMAN-23. Ảnh: Dawn

Hải quân Pakistan đang chuẩn bị cho Diễn tập AMAN-23. Ảnh: Dawn

* Theo AP, ngày 7-2 (giờ Mỹ) chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông qua kế hoạch bán gói vũ khí trị giá 10 tỷ USD cho Ba Lan. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, gói vũ khí bao gồm hệ thống pháo phản lực cơ động tầm trung HIMARS kèm đạn và khí tài phụ trợ. Thông qua hợp đồng mua bán vũ khí này, Mỹ mong muốn đạt các mục tiêu ngoại giao và an ninh quốc gia thông qua việc tăng cường tiềm lực quốc phòng cho đồng minh NATO. Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ: “Gói vũ khí bán cho Ba Lan sẽ giúp nước này tăng cường năng lực quân sự trong khi có thể cải thiện khả năng phối hợp với Mỹ và các đồng minh khác”.

* Trong chuyến thăm Vương quốc Anh mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos và Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, nhằm mục đích hợp tác chặt chẽ hơn, mang lại lợi ích cho quân đội hai nước. Tuyên bố nêu bật quyết tâm của Hy Lạp và Vương quốc Anh trong hợp tác tăng cường khả năng chống chịu trước mọi mối đe dọa và thách thức an ninh trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

* Đức có thể sẽ cung cấp thêm 178 xe tăng Leopard 1 cho Ukraine ngoài số xe tăng Leopard 2 nước này đã cam kết trước đó. Thông báo này được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đưa ra trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv hôm 7-2. Tuy nhiên, bao nhiêu xe tăng trong con số 178 này sẽ thực sự đến được Ukraine còn “phụ thuộc vào công việc sửa chữa cần thiết để vận hành”. Xe tăng Leopard 1 là phiên bản đầu tiên và đi trước của phiên bản Leopard 2 cải tiến, hiện đại hơn. Cả hai đều là xe tăng nội địa của Đức.

* Một trang mới trong lịch sử Hải quân Ấn Độ

 Máy bay chiến đấu hạng nhẹ bay trên tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Hải quân Ấn Độ

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ bay trên tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Hải quân Ấn Độ

Một máy bay chiến đấu hạng nhẹ nội địa (LCA) do Công ty hàng không quốc phòng Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited sản xuất đã thực hiện thành công chuyến cất cánh và hạ cánh lần đầu trên tàu sân bay INS Vikrant. Đây là dấu mốc lịch sử của Hải quân Ấn Độ, đánh dấu sự tự chủ của quốc gia Nam Á trong sản xuất, vận hành tàu sân bay và máy bay chiến đấu hạng nhẹ, hiện thực hóa tầm nhìn “Aatmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường) do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra.

INS Vikrant là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ, có lượng choán nước 37.000 tấn. Tàu INS Vikrant có thể mang 30 máy bay các loại, trong đó có máy bay do Nga sản xuất MiG-29K và Ka-31, máy bay trực thăng MH-60R của Mỹ và máy bay trực thăng Dhruv nội địa. INS Vikrant sử dụng hệ thống hạ cánh cưỡng bức nhưng không sử dụng hệ thống máy phóng cho máy bay cất cánh như các tầu sân bay Mỹ. Thay vào đó, INS Vikrant sử dụng boong tàu chéo góc để tạo đà.

Phát biểu trong một thông báo hôm 7-2 về sự kiện lịch sử này, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc R. Hari Kumar cho biết: “Việc hạ và cất cánh thành công của máy hải quân LCA bản địa trên tàu sân bay bản địa đầu tiên của Ấn Độ là một bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa tầm nhìn chung Aatmanirbhar Bharat của chúng ta”.

Như vậy, Ấn Độ hiện có 2 tàu sân bay. Chiếc còn lại là INS Vikramaditya do Nga sản xuất. Ấn Độ cũng đang thực hiện kế hoạch đóng thêm tàu sân bay Vishal 65.000 tấn (hiện đang trong giai đoạn thiết kế). Nhà thầu quốc phòng Hindustan Aeronautics Limited cũng đề xuất sản xuất máy bay chiến đấu nội địa 2 động cơ triển khai từ tàu sân bay (TEDBF) trong thời gian 10 năm tới. Ở thời điểm hiện tại Ấn Độ đang cân nhắc sử dụng máy bay Dassault Rafale M của Pháp và F/A-18E/F Super Hornet Block III của Mỹ trên các tàu sân bay của mình. Cả hai loại chiến đấu cơ này đều đã được bay thử với mô hình hệ thống boong tàu chéo góc trên mặt đất.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/quan-su-the-gioi-hom-nay-8-2-hai-quan-an-do-tao-dau-moc-moi-718413