Quân sự thế giới hôm nay (9-2): Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy UAV ở Ukraine, Nga chào hàng tàu Steregushchiy
Quân sự thế giới hôm nay (9-2) có những nội dung sau: Quân đội Mỹ tìm kiếm nguồn cung thuốc nổ từ nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy UAV ở Ukraine, Nga chào hàng tàu hộ vệ tên lửa Steregushchiy, Không quân Nigeria nhận lô máy bay mới.
* Quân đội Mỹ tìm kiếm nguồn cung thuốc nổ từ nước ngoài
Defense News đưa tin, việc Lục quân Mỹ muốn tăng sản lượng đạn pháo 155mm trong nước lên 100.000 quả/tháng từ cuối năm 2025 đặt ra yêu cầu phải tìm nguồn bảo đảm đủ thuốc nổ cho kế hoạch này.
Theo ông Doug Bush, Trợ lý thư ký phụ trách Mua sắm, Hậu cần và Công nghệ của Lục quân Mỹ, các nhà máy cần một khối lượng lớn thuốc nổ IMX-104 hoặc TNT để đạt chỉ tiêu sản xuất trên. Tuy nhiên, năng lực đó lại “không tồn tại ở trong lãnh thổ nước Mỹ”. Điều này buộc Mỹ phải tìm đến các đối tác nước ngoài.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ có thể sản xuất khoảng 14.400 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng. Nhưng do nhu cầu sử dụng lớn, Washington và đồng minh đã chuyển rất nhiều đạn pháo cho Kiev và quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều bước khác nhau để tăng tốc độ và năng lực sản xuất đạn pháo 155mm. Theo ông Bush, mỗi quả đạn pháo 155mm chứa 22 pound (gần 10kg) thuốc nổ. Nếu Mỹ tăng sản lượng lên tới 100.000 quả đạn mỗi tháng, nước này sẽ cần sản xuất 26,4 triệu pound chất nổ hằng năm.
Cuối năm ngoái, Lục quân Mỹ trao hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD cho 9 công ty ở Mỹ, Canada, Ấn Độ và Ba Lan để thúc đẩy sản xuất đạn pháo 155mm trên toàn cầu. Các hợp đồng bao gồm việc mua 14,2 triệu pound thuốc nổ, bao gồm loại IMX-104 và TNT. Cùng với đó, Lục quân Mỹ cũng tăng cường đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất thuốc nổ trong nước.
* Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy UAV ở Ukraine
Theo Reuters, công ty quốc phòng Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái (UAV) gần Kiev của Ukraine.
Baykar cho biết nhà máy đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành trong khoảng 12 tháng. Sau đó công ty sẽ chuyển sang máy móc, thiết bị nội bộ và cơ cấu tổ chức. Sẽ có khoảng 500 nhân công được tuyển dụng.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đạt sản lượng khoảng 120 chiếc mỗi năm, nhưng Baykar chưa tiết lộ rõ liệu việc sản xuất tại nhà máy Ukraine sẽ tập trung vào những mẫu UAV nào.
Thời gian qua, UAV Bayraktar do Baykar sản xuất đã trở nên nổi tiếng toàn cầu sau khi được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
* Nga chào hàng tàu hộ vệ tên lửa Steregushchiy
Navy Recognition cho biết, tại triển lãm quân sự thế giới WDS 2024 diễn ra ở Saudi Arabia, công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga giới thiệu mô hình của tàu hộ vệ tên lửa Project 20382 Tigr – một phiên bản dành cho xuất khẩu của lớp tàu Steregushchiy.
Tàu hộ vệ tên lửa Project 20382 Tigr được Cục thiết kế Trung ương hải quân Almaz phát triển cho Hải quân Nga và phục vụ để xuất khẩu. Tàu được thiết kế để tấn công tiêu diệt các loại tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay; chi viện hỏa lực cho quân đổ bộ đánh chiếm bờ biển bằng hỏa lực pháo hiện đại và làm nhiệm vụ tuần tra lãnh hải, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Đáng chú ý, tàu Project 20382 Tigr có tới 3 phiên bản với kích thước và trang bị vũ khí khác nhau để khách hàng có thể lựa chọn, trong đó phiên bản 1 có lượng giãn nước toàn tải 2.430 tấn, dài 106,3m; phiên bản 2 có lượng giãn nước toàn tải 2.250 tấn, dài 104,5m; phiên bản 3 là sự kết hợp giữa hai phiên bản trước đó.
Ngoài ra, tùy khách hàng, cả ba phiên bản tàu Project 20382 Tigr có thể tùy chọn hệ thống phòng không như tổ hợp pháo - tên lửa Kashtan-M; tổ hợp pháo - tên lửa Palma-SU; tổ hợp tên lửa phòng không Rif-M hoặc tên lửa tầm ngắn Igla-S. Trong khi đó, vũ khí săn ngầm cho cả ba phiên bản đều dùng chung hệ thống chống ngầm Paket-E/NK và hai bệ ngư lôi 533mm hoặc hệ thống tên lửa chống ngầm RPK-8E. Các phiên bản đều được thiết kế với nhà chứa cùng sân bay nhỏ cho phép đáp ứng hoạt động của trực thăng săn ngầm.
* Không quân Nigeria nhận lô máy bay mới
Air Recognition dẫn thông tin từ Không quân Nigeria cho biết lực lượng này vừa được bàn giao 5 máy bay mới, bao gồm 2 trực thăng TAI T129 Atak của Thổ Nhĩ Kỳ, 2 máy bay Diamond 62 của Australia và 1 chiếc King Air 360ER của Mỹ.
Trong đó, 2 trực thăng TAI T129 Atak là lô hàng cuối cùng, qua đó hoàn tất hợp đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria để bán 6 máy bay loại này, vốn bắt đầu được chuyển giao từ cuối năm 2023.
Theo kế hoạch, ngoài 6 trực thăng TAI T129 Atak, không quân Nigeria còn đặt mua 12 máy bay trực thăng AH1 Zulu Cobra của Mỹ với giá trị hợp đồng chưa được xác định, nhằm bổ sung năng lực tác chiến của mình trong tương lai gần.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.