Quan tâm bảo tồn và phát triển quần thể cây đác rừng

Hiện nay, việc khai thác hạt đác ồ ạt làm suy giảm đáng kể quần thể cây đác rừng ở Phú Yên. Do đó cần sớm có giải pháp bảo tồn và phát triển quần thể cây đác rừng.

Hiện trạng của cây đác rừng

Tác giả trong một chuyến đi khảo sát đác rừng ở khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả. Ảnh: CTV

Tác giả trong một chuyến đi khảo sát đác rừng ở khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả. Ảnh: CTV

Hiện chưa có các điều tra chính thức về hiện trạng phân bố cây đác trên địa bàn tỉnh, cũng như các nghiên cứu riêng biệt về cây đác. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng nói chung, một số chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp đã nghiên cứu, tính toán và ước sơ bộ về hiện trạng phân bố cây đác trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả với diện tích lên đến hơn 7.300ha nằm ở địa phận các xã: Hòa Tâm, Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa) và xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa). Tại các địa phương này, mật độ cây đác tương đối dày, trung bình 40-50m2/cây. Đặc biệt số lượng cây đác mọc dày hơn dọc theo các con suối. Đối với các cánh rừng khác trên địa bàn tỉnh thì ghi nhận mật độ cây đác mọc rải rác và thưa thớt.

Cây đác mọc tự nhiên, theo từng cụm, cây đác lớn trái sau khi chín già sẽ rụng và tiếp tục mọc lên các cây con xung quanh. Ngoài ra, một số động vật gặm nhấm cũng tha các hạt này đi nơi khác. Khu vực Đèo Cả có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ cao dao động từ 200-500m so với mực nước biển, là điểm tiếp giáp với biển nên hình thành quần thể cây đác rất phong phú.

Hoạt động khai thác hạt đác những năm gần đây rất mạnh do nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, cộng với việc khai thác theo nhiều hình thức, chưa có sự quản lý chặt chẽ nên nguồn lợi suy giảm mạnh. Nhất là một số cá nhân khai thác bằng cách đốn hạ cây làm cạn kiệt nguồn lợi từ cây đác.

Với tình trạng suy giảm đáng lo ngại về số lượng cá thể và quần thể đác rừng, việc bảo tồn và phát triển loài này trở nên cực kỳ cần thiết.

Sớm có giải pháp bảo tồn

Cây đác có tên khoa học Arenga pinnata (Wurmb) Merr, thuộc họ cau và là loại giống cây lâu năm. Cây đác có nguồn gốc khu vực nhiệt đới châu Á, từ đông Ấn Độ về phía Đông tới Malaysia, Indonesia và Philippines. Ở Việt Nam, cây đác mọc nhiều ở chân núi ẩm, chân núi đá vôi, trong rừng thứ sinh…

Cây cao khoảng 7-15m, đường kính khoảng 40-50cm. Thân có nhiều bẹ, gốc cuống lá tàn lụi đầy đông đặc. Lá mọc vòng quanh thân và tập trung nhiều ở phía ngọn, tỏa rộng ra xung quanh; lá bang hình kép lông chim, dài khoảng 3-5m có nhiều lá chét xếp ở hai bên cuống lá; mỗi lá chét dài khoảng 0,8-1,2m, rộng khoảng 4-5,5cm, mặt trên lá màu lục, mặt dưới lá trắng như phấn, gốc lá chét ôm lấy cuống lá rộng kéo dài thành đài. Cụm hoa hình bông mo lớn, dài khoảng 0,9-1,2m, chia nhiều nhánh nhỏ cong xuống. Hoa đực có hình nón chứa 70-80 nhị; hoa cái có 3 lá đài tồn tại ở trái. Trái bang hình cầu dài khoảng 3,5-5cm, có màu vàng nâu nhạt, bên trong có 3 hạt, 3 cạnh, màu nâu, trái tiết nước gây ngứa do có nhiều tinh thể oxalat calcium hình kim. Cây đác đơm bông kết trái từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch và bắt đầu thu hoạch rộ từ tháng 4-6 hằng năm. Sau tháng 6, hạt đác già, cứng, không ăn được. Khi trái đác chín, từng buồng trái được chặt sau đó đốt cháy vỏ để nhựa trái khô lại, rồi đập tách lấy hạt màu trắng, sáng bóng.

Để bảo tồn và phát triển quần thể cây đác rừng ở Phú Yên, trước hết là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân. Đặc biệt là người dân tại các vùng giáp ranh với khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả để đảm bảo nguồn lợi từ cây đác và phải đảm bảo hoạt động khai thác bền vững, không được tận diệt cây đác. Bên cạnh đó, quá trình đốt lấy trái cần đảm bảo an toàn, tránh tình trạng xảy ra cháy rừng.

Song song đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát chặt chẽ lâm phần quản lý; phối hợp với chính quyền địa phương đến các gia đình có tham gia hoạt động khai thác để tuyên truyền, vận động không chặt phá cây đác, cũng như đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng cây đác rừng, từ đó làm cơ sở đề xuất quản lý bảo vệ và phát triển cây đác bền vững hơn trong thời gian tới.

Mặt khác, việc bảo tồn và phát triển bền vững loài cây này không chỉ nhằm bảo tồn loài cây rất đặc hữu ở khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả nói riêng và Phú Yên nói chung, mà song song đó cần quy hoạch các khu vực thích hợp để trồng và nhân giống cây đác rừng để phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách và tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân địa phương về giá trị của cây đác rừng…

Theo y học cổ truyền, hạt đác chứa các chất có giá trị dinh dưỡng cao như sắt, kali, natri, acid lauric, canxi, chloride… giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương. Riêng hạt đác bổ sung chất xơ, canxi, carbohydrates. Nhờ đó chống loãng xương và ngừa các bệnh về xương rất tốt.

QUỐC VIỆT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/320742/quan-tam-bao-ton-va-phat-trien-quan-the-cay-dac-rung.html