Quan tâm bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế
Đảm bảo môi trường trong phát triển kinh tế là một lĩnh vực được đông đảo cử tri trong toàn tỉnh quan tâm. Vấn đề này đã được đặt lên bàn nghị sự trong phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VIII.
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong 5 năm tới Quảng Trị sẽ có nhiều dự án động lực được triển khai với quy mô và mang tính đột phá lớn hơn so với trước đây. Có thể nói trong 5 năm tới, Quảng Trị sẽ như một “đại công trường”, trong đó sẽ có gần 10 công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo cùng nhiều dự án phát triển công nghiệp, đầu tư hạ tầng đô thị được triển khai... Các dự án được đầu tư triển khai sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về môi trường.
Lo ngại tác động môi trường từ những dự án điện gió
Hiện trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã và đang triển khai nhiều dự án điện gió và trong quy hoạch phát triển quy mô có thể lên đến từ 3.000 - 4.000 MW. Vấn đề tác động môi trường của các dự án điện gió được đại biểu Nguyễn Trí Tuân (huyện Đakrông) đặt ra tại kỳ họp. Việc triển khai ồ ạt các dự án điện gió, thủy điện cần có khảo sát kỹ càng, nghiêm túc, khoa học, lâu dài về hiệu quả các dự án năng lượng mang lại một cách kịp thời để đưa ra các giải pháp.
Thực tế cho thấy, thời gian qua các dự án điện gió bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên qua triển khai thi công, lắp đặt thiết bị đã có những tác động tiêu cực đối với môi trường như phải mở nhiều diện tích đường công vụ dẫn đến nguy cơ sạt lở khi mùa mưa bão đang cận kề. Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho rằng, bất kỳ một dự án nào trước khi triển khai phải hoàn thành thủ tục bắt buộc đó là đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, đối với các dự án điện gió, việc đánh giá tác động môi trường được thực hiện rất nghiêm ngặt, có tính khoa học cao và được các bộ, ngành thẩm định. Để quy hoạch phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, đảm bảo môi trường, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng thực hiện đề án đánh giá tác động môi trường tổng thể của việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành trình các cơ quan có thẩm quyền trong đầu năm 2022 để lãnh đạo tỉnh làm căn cứ báo cáo với HĐND tỉnh, UBND tỉnh thực hiện việc giao đất cho các dự án trên tinh thần phát triển kinh tế đi đôi với chú trọng bảo vệ môi trường.
Về việc cử tri lo ngại nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa khi triển khai các dự án điện gió, ông Nguyễn Trường Khoa cho rằng, ngành Tài nguyên và Môi trường thường xuyên giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư trong quá trình thi công, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường, chống sạt lở như xây kè chắn đất tại các tuyến đường công vụ, trồng cây xanh phủ trống những diện tích bị san gạt. Về lâu dài sẽ triển khai đề án trồng 1 tỉ cây xanh, trong đó ưu tiên triển khai tại khu vực có các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió.
Khai thác hiệu quả nguồn vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp
Tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng đang tạo áp lực cho các dự án động lực sẽ triển khai trong thời gian tới. Chính vì vậy, vấn đề này được thảo luận khá sôi nổi tại kỳ họp HĐND tỉnh. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có giải pháp để giải quyết vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp công trình. Theo báo cáo của các ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn đang triển khai rất nhiều dự án xây dựng với quy mô lớn, trong đó có các công trình, dự án trọng điểm như đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, các dự án điện gió... dẫn đến tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng. Đặc biệt, trong tương lai gần rất nhiều dự án, công trình trọng điểm tiếp tục được đầu tư xây dựng. Áp lực từ việc thiếu nguồn cung dẫn đến tình trạng chậm tiến độ dự án, quản lý việc khai thác tại các mỏ vật liệu xây dựng gặp khó khăn, tình trạng khai thác trái phép vật liệu xây dựng tiếp tục xảy ra.
Đại biểu Văn Ngọc Lãm (thị xã Quảng Trị) cho biết, hiện nay tại khu vực chân cầu Thành Cổ, thuộc địa bàn xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong có một bãi tập kết cát sạn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông tại khu vực cửa ngõ thị xã Quảng Trị. Việc tồn tại bãi tập kết cát sạn kể trên đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác trái phép vì đây là nơi thu mua nguồn cát được khai thác bất hợp pháp. Giải pháp đặt ra là cần thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác trong Nhân dân sẽ tạo sinh kế bền vững, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ nguồn tài nguyên hợp lý. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa thừa nhận có thực trạng kể trên và sở cũng đang tham mưu UBND tỉnh để có giải pháp thực hiện, trong đó lâu dài sẽ thành lập các hợp tác xã khai thác cát sỏi để tạo việc làm và giao trách nhiệm bảo vệ tài nguyên cho người dân.
Cũng tại kỳ họp, UBND tỉnh đã có Tờ trình về việc bổ sung quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030. Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thống nhất tích hợp 17 điểm mỏ, diện tích 343,42 ha (đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 tại Quyết định số 2242/QĐ-UBND ngày 15/10/2015); bổ sung 48 điểm mỏ đất với tổng diện tích 584,27 ha; tài nguyên dự báo khoảng 30,7 triệu m3 vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2030 theo Nghị quyết số 28/2016/NQHĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị HĐND tỉnh chưa bổ sung vào quy hoạch mới 3 điểm mỏ Trường Xuân 1 (11,5 ha), Hải Trường 4 (3,9 ha), Diên Sanh (17 ha), thuộc huyện Hải Lăng theo đề nghị của UBND huyện Hải Lăng do trữ lượng không nhiều, hiệu quả kinh tế không cao, chưa phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019 để xây dựng nội dung phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn trong quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch theo Chỉ thị số 1138/TC-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Kiểm soát tốt môi trường trong các khu công nghiệp, nhà máy
Nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra băn khoăn về tình trạng ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nhà máy gây lo ngại trong Nhân dân. Thực tế thời gian qua tình trạng ô nhiễm từ các nhà máy tại các khu công nghiệp như Quán Ngang, Cụm công nghiệp Diên Sanh, Khu công nghiệp Nam Đông Hà vẫn xảy ra gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho rằng, công tác giám sát việc xả thải của các nhà máy trong các khu công nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng phương pháp quan trắc. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không quá nghiêm trọng. Quá trình giám sát sẽ có kết luận và xử lý các doanh nghiệp vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, hiện nay việc lựa chọn các lĩnh vực, dự án đầu tư, tỉnh luôn coi trọng đến sự tác động môi trường, đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ không được ưu tiên. Đặc biệt, UBND tỉnh sẽ giao các ngành liên quan rà soát các dự án, nếu dự án nào gây lãng phí trong sử dụng đất sẽ tiến hành thu hồi.