Quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của tỉnh và đã đầu tư phát triển tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhất là những sản phẩm xuất khẩu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng khai thác tận diệt ở ven bờ đã làm cho nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động lâu dài đến hiệu quả đánh bắt thủy sản và ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân. Do đó, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp và PTNT, các ngành hữu quan quan tâm thực hiện.

 Thực hiện khai thác đúng ngư lưới cụ, ngư trường, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Ảnh: V.T.H

Thực hiện khai thác đúng ngư lưới cụ, ngư trường, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Ảnh: V.T.H

Hiện toàn tỉnh có 2.882 tàu thuyền khai thác thủy sản. Do nguồn vốn đầu tư của ngư dân hạn chế nên đã có khoảng 85% số tàu thuyền của tỉnh có chiều dài dưới 12m. Điều này có nghĩa là việc khai thác thủy sản ở tỉnh chủ yếu diễn ra ở vùng nước ven bờ nên làm cho nguồn lợi thủy sản bị ảnh hưởng.

Anh Hoàng Văn Tưởng ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh sử dụng một số loại ngư lưới cụ đánh bắt vùng biển lộng. Anh cố gắng thực hiện mùa nào ngư cụ đó, nhưng mấy năm gần đây nhiều đối tượng hải sản cũng cạn dần nên hiệu quả đánh bắt của anh không cao. Anh Tưởng cho biết: “Một số tàu đánh bắt vùng ven bờ nhưng sử dụng ngư lưới cụ không đúng nên các loài thủy sản sống ven bờ bị ảnh hưởng lớn, một số loài gần như giảm hẳn, ít tìm thấy”.

Vùng biển ven bờ là vùng các loài hải sản vào sinh sản. Một số loài sống ở vùng xa bờ nhưng đến mùa sinh sản cũng di chuyển vào vùng gần bờ để sinh sản xong rồi trở lại vùng xa bờ. Vì vậy, nếu đánh bắt thủy sản ven bờ mà sử dụng ngư cụ không đúng loại, không đúng kích cỡ mắt lưới là làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ. Thậm chí một số người còn lén lút sử dụng các chất cấm như thuốc nổ, hóa chất, xung điện… làm hủy diệt cả môi trường sống của thủy sản.

Trước đây, thiên nhiên khá nhiều ưu đãi về nguồn lợi sinh vật biển ven bờ Quảng Trị, nhất là khu vực đảo Cồn Cỏ và các rạn ven bờ là nơi sinh sống của nhiều loại hải sản quý như tôm hùm, hải sâm, các loài trai, ốc… Nhưng do ngư dân còn thiếu nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ lại không bị quản lý, giám sát hay được tuyên truyền nhiều về bảo vệ thủy sản ven bờ, nhất là vào mùa thủy sản sinh sản nên đã phát triển nhanh các phương tiện đánh bắt làm nguồn lợi thủy sản giảm sút nghiêm trọng.

Nhiều ngư dân đánh bắt các loài tôm cá khi vừa mới sinh ra, kích thước rất nhỏ. Được hỏi tại sao lại đánh bắt hải sản nhỏ, vừa ít sản lượng, vừa giá bán không cao thì một ngư dân ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh trả lời: “Tôi không bắt thì người khác cũng bắt, bắt vào không bán được thì ăn, chưa thấy ai đi biển mà thả cá lại xuống biển cả”. Với suy nghĩ như vậy thì đúng là nhận thức của một bộ phận ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản - nguồn lợi có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ vẫn còn thấp kém.

Trong khi đó, công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn về cả con người lẫn cơ sở vật chất phục vụ công tác. Hiện nay, lực lượng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh, huyện còn rất mỏng, thiếu cả con người và phương tiện nên không quản lý được tình hình đánh bắt trên biển của ngư dân. Tình trạng vi phạm trong đánh bắt thủy sản hầu như xảy ra thường xuyên trên biển. Năm 2021, lực lượng thanh tra và kiểm ngư - Chi cục Thủy sản Quảng Trị đã tổ chức 28 chuyến thanh tra, kiểm tra trên biển, xử phạt vi phạm hành chính 20 vụ; phát hiện nhiều tàu trên 15m nhưng khai thác vùng lộng và vùng ven bờ…

Trước tình trạng vi phạm trong đánh bắt hải sản xảy ra ngày càng nhiều, mới đây UBND tỉnh đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc khai thác thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ trong thời gian tới, cần nghiêm túc thực hiện tốt những giải pháp như: Tập trung tuyên truyền rộng rãi trong ngư dân biết rõ về những hành vi vi phạm khai thác thủy sản ven bờ theo quy định trong Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, thực hiện luật. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, cách diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, tổ chức nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, trong đó chú trọng hướng dẫn cho ngư dân cách bảo vệ môi trường biển, nơi sinh sống của các loài hải sản.

Đồng thời, thực hiện quản lý chặt chẽ để hạn chế ngư dân đánh bắt ở khu vực gần bờ vào mùa tôm, cá sinh sản; khuyến khích mở rộng vùng khai thác xa bờ. Thường xuyên thả một số loài hải sản quý hiếm vào thủy vực cửa sông, ven bờ biển để tăng nguồn lợi hải sản và ngăn chặn giảm sút trữ lượng của những loài hải sản này. Trong quá trình thực hiện công việc này, các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cần huy động ngư dân tham gia là chính nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mặt khác, nghiêm cấm đánh bắt hải sản bằng những phương pháp mang tính hủy diệt như thuốc nổ, hóa chất, điện và các nghề cấm. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản ven bờ. Một trong những giải pháp có tính căn cơ là thực hiện các chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả sang các ngành nghề khác hiệu quả hơn.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ là trách nhiệm chung nên trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để đạt hiệu quả cao nhất. Ngành Nông nghiệp và PTNT là cơ quan quản lý về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần tiến hành nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ nhưng quan trọng nhất là phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết và nhận thức của ngư dân vì ngư dân mới chính là người trực tiếp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi ngư dân tự giác tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì nguồn lợi này mới phong phú trở lại được.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=170481&title=quan-tam-bao-ve-nguon-loi-thuy-san