Quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ
PTĐT - Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về 'Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước'...
PTĐT - Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thời gian qua, các ngành, địa phương của tỉnh đã quan tâm đến công tác cán bộ nữ, có nhiều chính sách cụ thể trong tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nữ, tạo điều kiện cho chị em phấn đấu, trưởng thành, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội.
Hiện nay, phụ nữ của tỉnh chiếm 50,8% dân số và 50,4% lực lượng lao động xã hội; đặc biệt trong một số ngành, nghề như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, kinh doanh dịch vụ, lao động nữ chiếm tỷ lệ khá cao. Riêng trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, phụ nữ chiếm hơn 30%; trong đó nhiều chị em đang đảm nhiệm vai trò quản lý, lãnh đạo trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Điều này khẳng định tỉnh Phú Thọ đã đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trên cơ sở quy hoạch tạo nguồn, các cấp, các ngành đã rà soát, bổ sung quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ một cách hợp lý. Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của cán bộ nữ được nâng lên rõ rệt, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, có 20/184 cán bộ nữ được bầu vào Ban Thường vụ cấp tỉnh, huyện; 62/411 cán bộ nữ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý các sở, ban, ngành. Tỷ lệ cán bộ nữ là đại biểu HĐND tỉnh đạt 30,3%, là đại biểu HĐND cấp huyện đạt 25,9%. Trong nhiệm kỳ 2020- 2025 có 98/510 cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đạt 19,21% (tăng 1,92% so nhiệm kỳ 2015- 2020); 100% các huyện, thành, thị có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ. 12/13 địa phương có tỷ lệ cán bộ nữ đạt từ 15% trở lên (tăng 30,8% so với nhiệm kỳ trước), những nơi có tỷ lệ cao như huyện Thanh Ba đạt 31,58%, Lâm Thao 28,21%; tạo nên sự bình đẳng giới, bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy các cấp từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban Thường vụ các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Trò chuyện với chị Phan Thị Mai Hương- Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ, người có 5 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó đề tài về bào chế, xây dựng quy trình sản xuất trên quy mô công nghiệp thuốc PYRYMOKID, một loại thuốc chữa bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng đã chuyển giao công nghệ cho Công ty CP Dược Phú Thọ, chúng tôi cảm nhận được suy nghĩ của chị khi cho rằng, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của tỉnh trước đây có ít nữ giới tham gia bởi định kiến phụ nữ thì không cần học cao và cũng không nên quá ham công danh sự nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, điều này đã dần thay đổi nhưng để gắn kết đam mê nghiên cứu với đảm nhận công tác quản lý thì bản thân chị em cũng cần sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng giữa công việc và gia đình.
Bên cạnh nâng cao tỷ lệ nữ tham gia vào công tác điều hành, quản lý, nữ giới cũng khẳng định mình trên “thương trường”. Bà Bùi Thị Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất vật liệu xây dựng Chính Thời, người được Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia tặng Bảng vàng “Doanh nhân văn hóa tiêu biểu Asean 2017” nêu quan điểm: Công bằng mà nói, trên thương trường nam giới vốn “nhậy bén” hơn nữ giới, thế nhưng điều này không có nghĩa phụ nữ không giỏi trong sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Trong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh, các chị Bùi Thị Mão- Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung hay Nguyễn Thị Chính- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xây dựng và phát triển Đức Thịnh… được tôn vinh đều là những nữ doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp phát triển hưng thịnh và có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội. Đồng chí Phạm Thị Kim Loan- TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Việc xây dựng các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đã chú trọng nhiều hơn đến lực lượng nữ, nhất là trong công tác cán bộ; tỷ lệ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo cơ hội cho nữ giới được tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặc dù công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, song các chị em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, trở ngại, không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt để phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; làm tròn thiên chức cao quý và nghĩa vụ của người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Đảng ta phải tiếp tục sự nghiệp giải phóng phụ nữ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cần chú ý thực hiện hai điều: Một là, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo; hai là, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Theo Người, thực hiện được hai điều này là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc, quan niệm lạc hậu, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ bình đẳng và phát triển là xu hướng tất yếu trong xã hội văn minh, hiện đại ngày nay.