Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đầu tư trang thiết bị, chú trọng triển khai các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động (NLĐ), góp phần tăng năng suất lao động và giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đầu tư trang thiết bị, chú trọng triển khai các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động (NLĐ), góp phần tăng năng suất lao động và giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Quan tâm đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị, vệ sinh nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ… là một trong những hoạt động thiết thực mà công đoàn cũng như lãnh đạo Công ty TNHH Eidai Việt Nam, KCN Đồng Văn II luôn chú trọng thực hiện nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ. Công ty TNHH Eidai Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm sàn gỗ tự nhiên, sàn gỗ kỹ thuật tự nhiên, sàn gỗ kỹ thuật Olefin, hiện có hơn 220 cán bộ, nhân viên, NLĐ.
Chủ tịch Công đoàn công ty Hoàng Mạnh Tuấn cho biết: Với quan điểm xuyên suốt bảo đảm sức khỏe cho NLĐ sẽ góp phần tăng năng suất lao động, hằng năm, công ty đều xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hằng tháng. Mỗi tháng sau khi đào tạo, huấn luyện, công ty tổ chức đại hội giám sát an toàn lao động (ATLĐ) có sự tham gia của ban giám đốc, quản lý nhà xưởng, dây chuyền để đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được, đưa ra những phương án khắc phục cụ thể với những chỗ cần phải cải thiện, phải thay đổi để bảo đảm ATLĐ.
Bên cạnh đó, duy trì hiệu quả nhóm an toàn vệ sinh viên là quản lý dây chuyền, tổ trưởng ưu tú thực hiện giám sát, tuần tra chéo hằng tuần phát hiện những vị trí, thiết bị có nguy cơ mất an toàn và tổng hợp để báo cáo tại đại hội giám sát toàn doanh nghiệp. Việc khám sức khỏe định kỳ được thực hiện đúng quy định. Nhờ những hoạt động cụ thể, thiết thực của công đoàn và ban lãnh đạo, những năm qua tại công ty không xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ, không có người mắc bệnh nghề nghiệp. NLĐ trong công ty xây dựng được thói quen, ý thức tự giác trong thực hiện công tác ATVSLĐ. Cơ sở, nhà xưởng phong quang, xanh, sạch, đẹp; bữa ăn ca bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Với môi trường làm việc an toàn, thân thiện, sạch sẽ, NLĐ Công ty TNHH Dệt may Tân Tiến Thành, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) yên tâm làm việc. Ảnh: Lê Yến
Tại Công ty TNHH Neweb Việt Nam, KCN Đồng Văn III, chuyên sản xuất vi mạch linh kiện điện tử, hiện có hơn 2.000 công nhân lao động. Để bảo đảm an toàn cho NLĐ trong quá trình sản xuất, hằng năm công ty xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, đầu tư đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động theo tính chất công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban về công tác ATVSLĐ.
Anh Nguyễn Năng Tuyến, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Việc bảo đảm ATVSLĐ có ý nghĩa quan trọng, giúp NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Do đó, công ty thực hiện tốt công tác tập huấn, phổ biến kiến thức và các quy tắc bảo đảm an toàn trong quá trình lao động, sản xuất cho NLĐ. Chú trọng cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm ATVSLĐ và ngăn ngừa tai nạn lao động; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy móc.
Công ty thường xuyên đưa ra minh họa cảnh báo về mất ATVSLĐ đã xảy ra ở các nhà máy khác để yêu cầu công nhân lao động chủ động phòng tránh; treo biển cảnh báo tại vị trí làm việc có nguy cơ mất an toàn. Những vị trí/máy móc có nguy cơ mất ATVSLĐ cao, như: kho hóa chất, máy ép khí công suất lớn… đều được quy hoạch một cách hợp lý, xa nhà xưởng. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp trong triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm ATVSLĐ, việc NLĐ nêu cao y thức tự bảo vệ mình, chấp hành nội quy, quy trình ATLĐ là yếu tố quan trọng góp phần hình thành văn hóa an toàn trong lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATVSLĐ và phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ huyện Lý Nhân chỉ đạo các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ tại đơn vị. Quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên quan đến môi trường làm việc, công cụ máy móc, thiết bị để đưa ra các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ; thực hiện nghiêm chế độ bảo hộ lao động và ATLĐ theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với NLĐ, cần nắm vững quy trình, quy phạm kỹ thuật liên quan đến công việc được giao; tự giác chấp hành tốt quy định về ATVSLĐ của đơn vị. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền các nội dung Luật ATVSLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực, công trình có nguy cơ mất an toàn cao, sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, sử dụng nhiều lao động thời vụ, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy trình sản xuất lạc hậu, sử dụng các hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến môi trường nhưng thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động…
Với mục tiêu bảo đảm NLĐ được làm việc trong môi trường an toàn, các cấp công đoàn đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của NLĐ trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phối hợp với các cấp chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực hiện kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ, trong đó có nội dung về ATVSLĐ. Triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào thi đua "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ", phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật… Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, đặc biệt là các nội dung về xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc nhằm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, góp phần xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.