Quan tâm chăm lo cho người có công với cách mạng
Những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Trị luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ, người có công (NCC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC với cách mạng.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Quảng Trị là địa phương có số lượng đối tượng chính sách NCC với cách mạng khá lớn, toàn tỉnh hiện có trên 120.000 NCC với cách mạng đã được xác nhận, chiếm 18,46% dân số.
Trong đó có 2.857 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), 19.204 liệt sĩ; 12.128 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 14.364 NCC, 5.105 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 59.675 người được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến và hàng chục ngàn người là các đối tượng có công với cách mạng khác được giải quyết trợ cấp.
Nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc công nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCC với cách mạng, Sở LĐTB&XH đã bố trí 1 cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ theo 32 thủ tục hành chính nhằm giải quyết chế độ chính sách cho NCC theo đúng quy trình.
Việc thực hiện chính sách trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; trợ cấp một lần đối với NCC đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. Theo đó, hiện tại, tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho trên 16.580 NCC và thân nhân NCC với cách mạng với tổng số tiền khoảng 35,9 tỉ đồng. Giải quyết trợ cấp một lần chế độ thờ cúng liệt sĩ 4.256 trường hợp.
Chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 Bà mẹ VNAH còn sống đều được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng với mức bình quân 1 triệu đồng/người/tháng và có cuộc sống vật chất và tinh thần ổn định.
Các chính sách ưu đãi khác cho NCC và thân nhân cũng đã được thực hiện đảm bảo kịp thời và đúng đối tượng. Cụ thể, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 22.000 đối tượng NCC và thân nhân với số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế hằng năm trên 17,8 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2021- 2024 đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho gần 22.500 lượt NCC và thân nhân với tổng kinh phí thực hiện trên 40,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm còn tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt NCC và thân nhân ở vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành LĐTB&XH hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên cho hơn 1.430 NCC và thân nhân với tổng kinh phí thực hiện 2,4 tỉ đồng.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho 132 NCC. Thông qua các chương trình phát triển KT-XH để ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ NCC và gia đình có công với cách mạng có việc làm, điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ ưu đãi hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đối với hơn 1.860 con của NCC với tổng kinh phí thực hiện 7,6 tỉ đồng. Đặc biệt, được phát động từ năm 2007, đến nay quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã huy động được 140,4 tỉ đồng: Qua đó, hỗ trợ xây mới 2.634 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình NCC với tổng kinh phí hỗ trợ 119 tỉ đồng.
Vinh dự thay mặt Nhân dân cả nước chăm sóc hơn 55.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố một cách chu đáo, thành kính trên tinh thần “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”, thời gian qua, công tác sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được chú trọng; hằng năm đầu tư sửa chữa, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí của trung ương, của tỉnh, của các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ nguồn xã hội hóa với hàng chục tỉ đồng đã góp phần chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo trang nghiêm, thể hiện lòng tôn kính tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ.
Trong đó, chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2024, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ với tổng số 63 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương trên mọi miền Tổ quốc đã đầu tư, nâng cấp sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ với tổng nguồn kinh phí trên 20 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác NCC với cách mạng. Nhờ vậy, nhiều NCC và gia đình trên địa bàn được quan tâm, động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây cũng chính là động lực để NCC và gia đình khắc phục khó khăn về điều kiện kinh tế, sức khỏe; luôn phát huy tinh thần cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, góp phần đáng kể vào xây dựng cuộc sống ở địa phương.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với NCC vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Trong đó, công tác xác nhận, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân; công tác chăm sóc mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ được thực hiện tốt, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, NCC với cách mạng.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.
Cùng với việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời và thuận tiện các khoản trợ cấp, phụ cấp cho NCC với cách mạng, các cấp, ngành trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, ưu tiên NCC và thân nhân như: hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình đã góp phần ổn định cuộc sống. Ước tính có khoảng 98,12% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Các phong trào tình nghĩa được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành một hoạt động chính trị - xã hội rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao. Qua đó, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và Nhân dân đối với NCC, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay.