Quan tâm chăm lo đời sống hội viên khiếm thị
Thời gian qua, Hội Người mù (HNM) tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống hội viên bằng nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, như: Hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn vốn giúp hội viên vay phát triển sản xuất… Hội thực sự là 'mái nhà chung' cho người khiếm thị, góp phần xóa bỏ mặc cảm và tự ti, thắp sáng niềm tin cho các hội viên nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Theo giới thiệu của lãnh đạo HNM huyện Kim Bảng, chúng tôi tới thăm gia đình bà Đinh Thị Lam, thôn Thụy Xuyên, xã Ngọc Sơn là hội viên tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình. Bà Lam chia sẻ: Do bị mù hai mắt bẩm sinh, trước đây gia đình rất khó khăn. Năm 2015, được HNM tạo điều kiện cho vay hơn 20 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm để mua 2 con lợn nái, đến nay lợn phát triển tốt và tăng lên thành 10 con. Số tiền có được sau khi bán lợn tôi dùng để trả nợ vốn vay và đầu tư xây dựng lại chuồng trại, mở rộng chăn nuôi thêm 300 con gà đẻ, hơn 200 đôi bồ câu, gần 100 vịt đẻ, lợn… Mỗi năm, trừ chi phí, cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình dần thoát khỏi khó khăn. Bà Lam xúc động nói: Tôi từng rất mặc cảm vì không thể chia sẻ gánh nặng kinh tế giúp gia đình, may mà được sự giúp đỡ của các cấp hội, giờ đây tôi đã có việc làm, thu nhập ổn định phục vụ sinh hoạt của gia đình.
Lãnh đạo HNM tỉnh trao quà cho con các hội viên khiếm thị nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6/2023. Ảnh: Xuân Lộc
Ông Phạm Minh Xuân, Chủ tịch HNM tỉnh cho biết: HNM tỉnh hiện có 1.079 hội viên, sinh hoạt tại 81 chi hội xã, phường, thị trấn. Để thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho hội viên, Ban Chấp hành HNM tỉnh luôn bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ thiết thực, gắn liền với nhu cầu thực tiễn đời sống hội viên. Là “mái nhà chung” ,“điểm tựa tinh thần” của người khiếm thị, thời gian qua, HNM tỉnh đã tích cực tuyên truyền, động viên và kết nạp người khiếm thị đủ tiêu chuẩn tham gia vào tổ chức hội, giúp người khiếm thị nâng cao tinh thần, hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Nhằm hỗ trợ các hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế, 5 năm qua, hội đã quản lý hiệu quả nguồn Quỹ quốc gia về việc làm từ kênh của HNM Việt Nam với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Qua 5 năm đã giải quyết cho 590 lượt hội viên vay, tạo việc làm cho 1.080 lao động. Cùng với giúp hội viên có nguồn vốn sản xuất, công tác tập huấn truyền nghề luôn được hội quan tâm phát triển và nhân rộng trong các cơ sở của người mù và tại gia đình, như: Nghề xoa bóp bấm huyệt, sản xuất tăm tre thủ công, chăn nuôi trồng trọt... Các cơ sở sản xuất của người mù tập trung và bán tập trung được duy trì và phát triển. Đến nay, toàn hội đã thành lập được 6 cơ sở sản xuất tập trung với tổng số 104 lao động, 6 cơ sở xoa bóp bấm huyệt với 24 hội viên, 9 tổ nhóm tẩm quất do hội viên quản lý, với 35 hội viên.
Ngoài ra, hằng năm HNM tỉnh còn tranh thủ sự quan tâm của Trung ương hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tích cực phối hợp với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành vận động sự giúp đỡ, đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình thương cho hội viên, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, động viên khi hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn; trợ cấp hằng tháng, tặng quà, học bổng, sổ tiết kiệm cho người mù và con người mù nhân các ngày lễ, Tết…
Đến nay, có hơn 700 người mù được cấp giấy chứng nhận bảo trợ xã hội; xây dựng 04 ngôi nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa 7 nhà với tổng trị giá 695 triệu đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí cho 100% người khiếm thị; con của người mù đi học đều được miễn các khoản đóng góp… Điển hình như bà Nguyễn Thị Hưởng, thị trấn Quế (Kim Bảng) thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn về nhà ở. Căn nhà cấp 4 của gia đình bà nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không có tiền tu sửa. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, hội đã phối hợp với các ban, ngành sửa lại căn nhà, giúp bà có chỗ ở an toàn, khang trang hơn. Giờ sống trong căn nhà mới, bà Nguyễn Thị Hưởng yên tâm mỗi khi mùa mưa bão đến, xóa bỏ mặc cảm tự ti, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, tạo việc làm cho hội viên, hằng năm, HNM tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nâng cao ý thức sống và làm việc theo pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; gương mẫu thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Các cấp hội đã tổ chức tốt các đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhân các sự kiện lớn, ngày truyền thống của đất nước, của hội, như: Tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp; thường xuyên tổ chức cho cán bộ, hội viên học tập thông qua Tạp chí Đời mới, đĩa CD, chữ Braille, báo phát thanh, báo chữ Việt. Cổng thông tin điện tử của HNM Việt Nam với các trang tin, văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật cập nhật phong phú, số lượng người mù truy cập ngày càng tăng. Phong trào văn hóa, văn nghệ diễn ra thường xuyên ở các cấp hội với nhiều hình thức giúp người khiếm thị xóa bỏ mặc cảm và tự ti, thắp sáng niềm tin nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian tới, HNM tỉnh tiếp tục củng cố tổ chức hội vững mạnh, đẩy mạnh dạy chữ, dạy nghề, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, vận động thêm nguồn lực từ cộng đồng xã hội để tặng quà, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để cộng đồng, xã hội hiểu hơn về nguyện vọng, khả năng lao động, làm việc của người mù, từ đó có sự quan tâm, chia sẻ, giúp người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.