Quan tâm chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội
Ngày 22/3, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 345/2023/NQ-HĐND quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách trợ giúp xã hội đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (viết tắt là Nghị quyết số 345). Nghị quyết số 345 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023 thay thế Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 30/6/2021 của HĐND tỉnh quy định mức trợ cấp, hỗ trợ đối với một số đối tượng BTXH trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 17).
Đoàn khối cơ quan- Doanh nghiệp tỉnh tặng quà cho người đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm BTXH và công tác xã hội
Nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèoHiện nay, trên địa bàn tỉnh, tại cộng đồng có khoảng 150 người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ và khoảng 1.500 người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo thuộc đối tượng mở rộng của tỉnh đã được đưa vào nhóm đối tượng BTXH. Thực hiện Nghị quyết số 17, các trường hợp này được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ 540 nghìn đồng đến 720 nghìn đồng/người/tháng (bằng khoảng 30% quy định chuẩn mức sống tối thiểu, tiêu chí thu nhập theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025. Theo đánh giá, mức hỗ trợ này mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của đối tượng. Vì vậy, người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Bà Đỗ Thị Khuyên ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Tôi là người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo. Dù đã được nâng mức hưởng trợ cấp xã hội và được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm tặng quà mỗi dịp lễ, tết nhưng cuộc sống của tôi vẫn còn nhiều khó khăn. Khi nghe thông tin sắp tới sẽ được nâng mức hưởng trợ cấp xã hội, tôi rất vui. Chính sách của tỉnh sẽ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn như tôi an yên tuổi già.
Để hỗ trợ người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có cuộc sống tốt hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 345. Theo đó, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh là 360 nghìn đồng.
Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cư trú tại khu vực thành thị có mức trợ cấp xã hội hằng tháng bằng 4,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội/người/tháng, tương ứng với mức 1.620.000đồng/người/tháng (ngoài mức trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ). Đối tượng này cư trú tại khu vực nông thôn được hưởng mức trợ cấp xã hội hằng tháng bằng 3 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội/người/tháng, tương ứng với 1.080.000 đồng/người/tháng (ngoài mức trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ).
Đối với người cao tuổi đang sống tại cộng đồng (không bao gồm các đối tượng trên) thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025) không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng gồm: Vợ, chồng, con và cháu ruột (cháu ruột của người cao tuổi mà người cao tuổi là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại) hoặc có nhưng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng cư trú tại khu vực thành thị được hưởng mức trợ cấp bằng 6,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên; trợ cấp bằng 6 lần mức trợ giúp xã hội đối với người đủ từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi. Đối tượng cư trú tại khu vực nông thôn được hưởng mức trợ cấp bằng 5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên; trợ cấp bằng 4,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với người từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi.
Hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.Hỗ trợ tiền ăn vào các ngày lễ, Tết cho đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hộiTheo Nghị quyết số 345, đối tượng BTXH được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật (không bao gồm đối tượng tự nguyện) được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng bằng 5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng trên 24 tháng tuổi; đối tượng dưới 24 tháng tuổi được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội. Các đối tượng này được hỗ trợ tiền ăn thêm ngày lễ, Tết trong năm với mức hỗ trợ 150 nghìn đồng/đối tượng/ngày, bao gồm 11 ngày: Tết dương lịch, Tết âm lịch (5 ngày), ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động (1/5), ngày Quốc khánh (2 ngày), Ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi được hỗ trợ thêm tiền ăn vào các ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu. Đồng chí Đoàn Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm BTXH và công tác xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Việc HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết số 345 có quy định về việc hỗ trợ tiền ăn thêm các ngày lễ, ngày Tết trong năm không chỉ tiếp tục động viên, chia sẻ với các đối tượng này mà còn góp phần giúp trung tâm có thêm điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng được tốt hơn.
Đồng chí Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 17, toàn tỉnh có trên 2.000 đối tượng được hưởng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng, hỗ trợ mai táng phí cao hơn mức quy định chung của Chính phủ. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, mức trợ cấp, hỗ trợ này phần nào chưa đáp ứng được điều kiện phát sinh thực tế trong đời sống của một bộ phận đối tượng được thụ hưởng. Việc HĐND tỉnh thông qua, ban hành Nghị quyết số 345 thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh để tiếp tục bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân trong tỉnh.
Dự kiến số lượng người thụ hưởng và kinh phí tăng thêm khi thực hiện Nghị quyết là 3.577 người với số tiền 31,2 tỷ đồng/năm.