Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân

Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tư vấn hướng dẫn sử dụng phương pháp tránh thai đúng cách cho nữ công nhân tại Xí nghiệp may An Thịnh thuộc Công ty CP An Hưng. Ảnh: NGỌC HÂN

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho nữ công nhân luôn được các cấp công đoàn quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực. Nhờ đó, lao động nữ có ý thức chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động.

Nhân Tháng Công nhân năm 2020, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tư vấn SKSS, khám tầm soát ung thư cổ tử cung, khám sàng lọc trước sinh, xét nghiệm và cấp thuốc điều trị các bệnh lý phụ khoa cho hơn 650 nữ công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Quan tâm chăm sóc

Ngay từ sáng sớm, không khí ở Xí nghiệp Chế biến nông sản xuất khẩu thuộc Công ty CP Điều Phú Yên đã sôi động hơn mọi ngày vì có đoàn y bác sĩ về tư vấn SKSS, siêu âm, khám phụ khoa và cấp thuốc điều trị miễn phí cho nữ CNLĐ đang làm việc nơi đây. Ban đầu, nhiều chị em còn e dè, ngại ngùng vì lần đầu đến khám, nhưng dưới sự hướng dẫn, tư vấn nhiệt tình của các y bác sĩ, mọi người trở nên dạn dĩ; nhiều thắc mắc “khó nói” gặp phải ở các chị em đều được giải đáp.

Chị Trần Thị Chút, công nhân bóc vỏ lụa làm việc tại Công ty CP Điều Phú Yên cho hay, tại lần khám sức khỏe định kỳ của công ty, bác sĩ thông báo tôi có vấn đề về SKSS. Tôi rất lo lắng về sức khỏe của mình, nhưng do công việc bận rộn, chưa đi khám chuyên khoa được. Dịp này, tôi được các bác sĩ siêu âm, xét nghiệm và cấp thuốc để điều trị. Điều này khiến tôi yên tâm hơn để tiếp tục làm việc. Còn chị Cao Thị Diễm, công nhân Công ty CP An Hưng cho biết: “Mỗi năm, công ty đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Được bác sĩ tư vấn chăm sóc SKSS, các dấu hiệu bệnh viêm nhiễm phụ khoa, qua đó giúp chị em chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của mình”.

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị đều tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ. Tùy theo môi trường làm việc, chủ lao động thực hiện khám định kỳ 1-2 lần/năm cho lao động. Kết quả những lần thăm khám không phát hiện các bệnh lý nguy hiểm hay bệnh chuyên khoa nghiêm trọng, thỉnh thoảng phát hiện bệnh lý đơn giản. “Việc thăm khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ, trong đó có nữ công nhân là thủ tục bắt buộc đối với các công ty, doanh nghiệp đang sử dụng lao động. Do đó, hàng năm, các doanh nghiệp ký hợp đồng với cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Qua đó, các bác sĩ tư vấn chăm sóc SKSS và kịp thời phát hiện các dấu hiệu của bệnh nếu có”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh ông Phan Quốc Thắng, cho biết.

Cần ý thức từ công nhân

Mặc dù ghi nhận có những bước chuyển nhất định về nhận thức của nữ công nhân trong công tác chăm sóc SKSS, tuy nhiên trên thực tế, số lượng lao động nữ quá đông nên độ bao phủ của các buổi truyền thông, tư vấn chưa sâu. Do nhiều điều kiện khác nhau: kinh tế, thời gian… mà nữ công nhân không thăm khám, chăm sóc SKSS. Thậm chí có nữ công nhân ngại tham gia các buổi khám định kỳ do công ty tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, để cung cấp thông tin, kiến thức và các dịch vụ chăm sóc SKSS cho nữ công nhân, các cấp công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục DS-KHHGĐ triển khai nhiều biện pháp truyền thông dân số đến CNLĐ nữ. Việc chăm sóc SKSS cho nữ công nhân không chỉ là việc của một cá nhân mà liên quan đến tập thể. Đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, để hoạt động truyền thông này mang lại hiệu quả, cần sự chung tay của các chủ doanh nghiệp hơn nữa. Nhưng quan trọng hơn hết, nữ công nhân phải là người tự trang bị kiến thức về SKSS. Mạnh dạn, tự tin đưa ra thắc mắc, những vấn đề còn e ngại để được giúp đỡ, đảm bảo sức khỏe bản thân”.

Theo ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, qua khảo sát gần đây của ngành, một bộ phận lao động nữ chưa có gia đình còn thiếu nhiều kiến thức về SKSS. “Việc chăm sóc SKSS cho nữ công nhân không chỉ là việc của một cá nhân mà liên quan đến tập thể. Đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, để hoạt động truyền thông này mang lại hiệu quả, cần sự chung tay của các chủ doanh nghiệp hơn nữa. Nhưng quan trọng hơn hết, nữ công nhân phải là người tự trang bị kiến thức về tình dục an toàn và SKSS. Mạnh dạn, tự tin đưa ra thắc mắc, những vấn đề còn e ngại để được giúp đỡ, đảm bảo sức khỏe bản thân để có một tương lai tốt đẹp, có một gia đình hạnh phúc cùng những đứa con khỏe mạnh”, ông Bi cho hay.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240645/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-cho-nu-cong-nhan.html