Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em
Sức khỏe tâm thần là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển toàn diện cho trẻ. Bởi vậy, cùng với quan tâm tạo điều kiện cho trẻ học tập, rèn luyện các kỹ năng, tham gia các hoạt động thể chất, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em hiện nay lại chưa được quan tâm đúng mức.
Trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần để phát triển toàn diện.
Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ người lớn, mà trẻ em cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ mạng xã hội, môi trường, thiên tai, dịch bệnh hay áp lực từ học tập, các mối quan hệ và cuộc sống. Trước những sự thay đổi đột ngột hay áp lực lớn, kéo dài nhiều trẻ khó có thể tự vượt qua và rơi vào buồn chán, mệt mỏi, học tập giảm sút, tự thu mình, không có nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh.
“Cháu là học sinh giỏi nhiều năm, chăm ngoan nhưng không ngờ lại bị áp lực dẫn đến mệt mỏi, buồn chán, ngại đi học... Tôi là người có lỗi khi chưa biết cách đồng cảm và chia sẻ với con”. Đó là những lời chia sẻ của chị N.T.P. (TP Thanh Hóa) có con học lớp 8. Con chị P. luôn học giỏi nên gia đình đặt nhiều kỳ vọng vào cháu. Các kỳ thi, gia đình luôn mong muốn con đạt thành tích cao. Điều đó đã vô tình tạo áp lực cho con. Tương tự, chị T.T.A. (TP Thanh Hóa), với mong muốn con có môi trường học tập tốt, được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng chị A. đã cho con học một trường tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa. Song, khi đi học con không tạo dựng được mối quan hệ với các bạn, thường bị các bạn trêu ghẹo. Con không biết chia sẻ cùng ai và luôn mang trong mình nỗi sợ bị các bạn cô lập. Lâu dần con không muốn đi học, ít nói, thường xuyên khóc hơn. Chị A. chia sẻ: “Do công việc bận không có nhiều thời gian quan tâm đến con nên tôi đã không biết những áp lực xung quanh con. Ngay khi biết, tôi đã tìm cách trò chuyện cùng con, để con nói lên mong muốn và tìm môi trường phù hợp với con hơn”.
Thực tế hiện nay, không ít trẻ rơi vào khủng hoảng, stress, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 10 - 16 tuổi. Song, phần lớn các em không nhận được chia sẻ kịp thời và đồng cảm, thấu hiểu từ gia đình. Điều này vô tình đang đẩy trẻ ra xa với bố mẹ và sự phát triển bình thường.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hiện nay, tỷ lệ trẻ em có biểu hiện rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân được xác định do những áp lực cuộc sống, học tập và tác động tiêu cực của môi trường sống. Nhiều trẻ do áp lực học tập, thi cử. Nhiều trẻ do không nhận được sự quan tâm từ gia đình. Nhiều trẻ do sử dụng các thiết bị thông minh liên tục, kéo dài hay nhiều trẻ nghiện chơi game trong thời gian dài có những hoang tưởng cuộc sống đời thực, lo âu, chán nản cuộc sống và có suy nghĩ, hành động bắt chước game. Tuy nhiên, các cơ sở tư vấn, tham vấn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ tại nhà đang rất ít. Phần lớn trẻ vào bệnh viện điều trị khi biểu hiện bệnh đã ở mức độ tương đối nặng và đã xảy ra trong thời gian dài.
Bác sĩ CKI Lương Mỹ Linh, Phó trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: "Rối loạn tâm thần ở trẻ em thường có rối loạn cảm xúc, tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi... Trầm cảm là bệnh lý của cảm xúc, được biểu hiện bằng các triệu chứng: cảm xúc, tư duy và hành vi bị ức chế. Trẻ mắc trầm cảm thường có biểu hiện mệt mỏi, buồn chán, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, học tập giảm sút, giảm tính tự trọng và lòng tự tin, nhìn tương lai ảm đạm bi quan, thậm chí có ý tưởng và hành vi tự sát. Bởi vậy, bố mẹ cần quan tâm, đồng hành cùng trẻ để kịp thời phát hiện những bất thường của trẻ và đưa đến cơ sở chuyên khoa tâm thần khám và điều trị, tránh những sự việc xảy ra đáng tiếc".
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 13.438 trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt (chiếm 1,4%) và 134.347 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 14,09%). Đây là những trẻ em có nguy cơ rơi vào rối loạn tâm thần và cần được quan tâm đặc biệt.
Sức khỏe là tổng hòa ba thành phần: Sinh học - tâm thần - xã hội. Sức khỏe tâm thần là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển về trí tuệ, thể chất, nhân cách mỗi người. Tuy nhiên, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em; các dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn, tham vấn cho trẻ có vấn đề sức khỏe tâm thần; các chương trình tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần còn nhiều "khoảng trống”. Do đó, gia đình, nhà trường, xã hội cần quan tâm đến trẻ em nhiều hơn, đặc biệt là gia đình. Cha mẹ cần đồng hành cùng con, xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, duy trì nhịp sinh học ổn định, hướng dẫn trẻ cách kiểm soát, quản lý, cân bằng cảm xúc và thường xuyên quan sát, quan tâm phù hợp đến trẻ nhiều hơn. Khi trẻ có vấn đề sức khỏe tinh thần, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1591/QĐ-TTg, ngày 8/12/2023 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030. Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh đã giao triển khai thực hiện Quyết định số 1591/QĐ-TTg, ngày 8/12/2023 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 cho các sở, đơn vị liên quan. Đây là cơ hội để “khoảng trống” trong chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em dần được lấp đầy. Theo kế hoạch, có trên 80% số trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ có nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-tam-than-cho-tre-em-217529.htm