Quan tâm đặc biệt tới nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương bởi bạo lực gia đình
Chiều ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) bày tỏ tán thành với những phân tích về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như trong Tờ trình của Chính phủ.
Đại nhiểu nhấn mạnh, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống bạo lực gia đình tại Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; việc sửa đổi Luật nhằm cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp năm 2013 về xây dựng và phát triển gia đình, bảo đảm tối đa quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương bởi bạo lực gia đình; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ quan điểm tại phiên thảo luận tổ.
Để góp phần hoàn thiện hơn nữa dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn An đã cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của người bị bạo lực gia đình quy định tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật. Đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật đang quy định việc cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình, trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, có nghĩa là khi cho rằng mình bị bạo lực gia đình thì phải báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; nếu không báo thì có lỗi, là vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Đại biểu đề nghị cân nhắc, chỉnh sửa lại quy định này cho phù hợp theo hướng: thể hiện lại quy định này vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình; bổ sung thêm cụm từ khi có yêu cầu, như sau “người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu”.
Thứ hai, tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật quy định “Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để không làm phát sinh bạo lực gia đình hoặc chấm dứt bạo lực gia đình”.
Đại biểu phân tích, dự thảo Luật chỉ quy định hướng dẫn là chưa đầy đủ, phổ quát hết các hình thức hòa giải trong thực tiễn; mặt khác, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở, ngoài hướng dẫn ra còn có giúp đỡ. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các hình thức hòa giải khác như: giúp đỡ, giải thích, các biện pháp vận động, thuyết phục khác…
Thứ ba, tại khoản 7 Điều 33 dự thảo Luật quy định “Trong trường hợp gia đình có đám cưới, đám tang hoặc các trường hợp đặc biệt khác, người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người ban hành quyết định cấm tiếp xúc dưới sự quản lý của công an cấp xã nơi xảy ra tiếp xúc giữa người bị cấm tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình”.
Đại biểu chỉ ra rằng, việc quy định như trên đang tồn tại một số vấn đề sau: chưa thể hiện rõ thời gian việc báo cáo với người ban hành quyết định cấm tiếp xúc – cụ thể là Chủ tịch UBND xã; chỉ báo cáo là chưa đầy đủ, mà phải được Chủ tịch UBND xã đồng ý; chưa thể hiện được việc báo cáo và đồng ý của Chủ tịch UBND xã thể hiện dưới hình thức nào? Văn bản hay tin nhắn?... Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, quy định rõ những vấn đề này trong nội dung dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực tiễn.