Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số
Những năm qua, cùng với việc quan tâm bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, các cấp ủy trong tỉnh còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Từ đó, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Giai đoạn 2017 - 2019, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng chuyên ngành theo vị trí việc làm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 3.133 lượt cán bộ, công chức. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 127 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước và nghiệp vụ chuyên ngành.
Công chức là người dân tộc thiểu số làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả
kết quả theo cơ chế “Một cửa” xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã được đào tạo
nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc.
Cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao hiệu quả xử lý và giải quyết công việc, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nhất là ở cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Yên Sơn hiện có 265 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 39% tổng số cán bộ, công chức toàn huyện. Theo đồng chí Triệu Đức Lâm, Phó Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Yên Sơn cho biết, năm 2020, toàn huyện có 128 cán bộ, công chức được cử đi học trung cấp và cao cấp lý luận chính trị, trong đó có 44 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; cử 127 cán bộ, công chức đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó có 53 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, nhiều xã 100% cán bộ giữ vị trí chủ chốt là người dân tộc thiểu số như xã Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Kim Quan… Đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở cấp cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đã giúp trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được chuẩn hóa.
Xã Hùng Lợi (Yên Sơn) hiện có 22 cán bộ, công chức, trong đó 20 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã là người dân tộc Tày, Dao. Theo đồng chí Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi, hiện nay 100% cán bộ, công chức của xã đã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị, 16 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số đã có trình độ cao đẳng, đại học; 2 cán bộ, công chức cũng là người dân tộc thiểu số đang đi học lên đại học, còn lại là trình độ trung cấp nhưng sắp đến tuổi nghỉ hưu, quá tuổi đào tạo. Nhiều cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số khi tuyển dụng mới chỉ có trình độ trung cấp, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành được bố trí. Nhưng đến nay, 100% cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số của xã đã được cử đi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đúng với vị trí công tác.
Đồng chí Lương Văn Dao, dân tộc Tày, công chức Văn phòng - Thống kê xã Hùng Lợi mới tốt nghiệp đại học trường Đại học Nội vụ chuyên ngành Văn thư - lưu trữ. Anh cho biết, được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, anh thấy tự tin trong công việc, chủ động hơn trong việc tham mưu với thường trực Đảng ủy, lãnh đạo UBND những công việc thuộc thẩm quyền của công chức Văn phòng - Thống kê. Cũng như anh Dao, anh Lương Văn Túc, dân tộc Tày, công chức Văn hóa - Xã hội khi mới được tuyển dụng từ năm 2005 cũng chưa có bằng cấp phù hợp với vị trí công tác. Sau đó, anh Túc được cử đi học chuyên ngành quản lý văn hóa, trường Đại học Văn hóa. Anh Túc cũng cho biết, từ khi được cử đi học đại học, anh có thêm động lực phấn đấu và giải quyết tốt hơn các thủ tục hành chính liên quan đến chế độ, chính sách của người dân.
Huyện Hàm Yên cũng là địa phương luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số. Xã Nhân Mục hiện có 15 cán bộ, công chức, trong đó 13 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, cán bộ, công chức của xã có 11 người có trình độ đại học, 2 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số có trình độ trung cấp đang được cử đi học đại học, 2 công chức trình độ trung cấp đang chờ nghỉ hưu theo quy định.
Theo đồng chí Đinh Hồng Phi, Chủ tịch UBND xã Nhân Mục, đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số của xã không chỉ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, trình độ mà còn thường xuyên được cử đi bồi dưỡng về kỹ năng chuyên ngành theo vị trí việc làm và kỹ năng quản lý Nhà nước. Do được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nên tác phong làm việc của cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số của xã có nhiều chuyển biến rõ nét đó là năng động, nhanh nhẹn, khoa học và nền nếp hơn.
Đồng chí Lương Thị Hường, dân tộc Dao, công chức Văn hóa - Xã hội mới tốt nghiệp Đại học Văn hóa. Chị Hường cho biết, không những được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chị còn thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do tỉnh, huyện tổ chức về kỹ năng chi trả, giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, người có công với cách mạng... góp phần tham mưu với chính quyền nhiều giải pháp hiệu quả thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc sinh sống nên công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi tác phong, lề lối làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, giải quyết hiệu quả công việc được giao.