Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số cho tỉnh Lào Cai

'Những lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) tại buổi gặp gỡ với thầy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai luôn được tôi khắc ghi, coi đó là tôn chỉ, định hướng để xây dựng nhà trường thành 'cái nôi' đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, góp sức xây dựng quê hương Lào Cai, xây dựng đất nước giàu đẹp' – nhà giáo Lý Văn Chương xúc động nói.

Xây dựng "mái nhà chung" cho học sinh dân tộc thiểu số

Nhà giáo Lý Văn Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh năm nay đã gần 80 tuổi. Dù cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra cách đây 17 năm nhưng từng lời căn dặn tại cuộc gặp hôm đó vẫn được ông nhớ rõ đến từng lời, từng chi tiết.

(Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Theo lời kể của ông Chương, năm đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai, trong đó có gặp gỡ thầy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Khi đến trường, đồng chí khảo sát một vòng cơ sở vật chất nhà trường, thăm khu ở, khu nhà ăn, khu vui chơi để xem “nơi ăn, chốn ở” của các cháu, sau đó mới gặp mặt lãnh đạo nhà trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vui mừng trước thành tích mà nhà trường có được, căn dặn phải đổi mới phương pháp, cải tiến nội dung, phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. Năm đó, học sinh của nhà trường có 14 dân tộc thiểu số, Chủ tịch Quốc hội ân cần dặn dò rằng, học sinh dân tộc thiểu số dù phong tục, tập quán, văn hóa có thể khác nhau nhưng khi đã về đây thì phải coi như anh em một nhà, phải chăm ngoan, học giỏi, đoàn kết, tích lũy được nhiều kiến thức để mai sau đóng góp xây dựng quê hương mình, dân tộc mình giàu đẹp. Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở thế hệ học sinh phải giữ gìn bản sắc văn hóa, tự hào về truyền thống dân tộc, bảo tồn những giá trị tốt đẹp cho mai sau.

Bác Nguyễn Phú Trọng vô cùng gần gũi, giản dị, nói chuyện rất thân tình. Cũng vì lẽ đó, từng lời dặn dò ngày hôm đó, tôi đều khắc cốt ghi tâm, coi đó là “kim chỉ nam” để định hướng cho sự phát triển của nhà trường

Nhà giáo Lý Văn Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai

Cũng theo ông Chương, sau buổi gặp mặt với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có những thay đổi lớn. Nhà trường đã lên kế hoạch, chương trình, báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo những thay đổi về công tác tuyển sinh, cải tiến hoạt động dạy và học; luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ quản lý, giáo viên; có mục tiêu rõ ràng trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong nhà trường. Từ sau năm học 2007 - 2008, chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường từng bước được nâng cao, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh xuất sắc trở thành một trong những trường top đầu về chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm nay, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai luôn là một trong những trường điểm của địa phương về công tác thi đua dạy và học; tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường luôn đạt 70 - 80%. Sau hơn 30 năm thành lập đã có hàng nghìn học sinh của nhà trường trưởng thành, giữ trọng trách trong bộ máy cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Phát huy những kết quả đã đạt được, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đặt nền móng giúp các em học sinh trở thành cán bộ có năng lực trong tương lai. Theo chiều dài của lịch sử phát triển nhà trường, đã có hàng nghìn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh rời ghế nhà trường, trưởng thành tham gia công tác và giữ nhiều trọng trách từ trung ương đến địa phương.

 (Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Cô giáo Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với mục tiêu “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2025”, nhà trường đang tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, chú trọng chất lượng thi học sinh giỏi, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.

“Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng cho học sinh, xây dựng và duy trì kỷ cương nền nếp toàn diện trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường cùng với xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn để hướng nghiệp, dạy nghề, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng trường học thông minh, trường trọng điểm thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Phấn đấu xây dựng nhà trường trong tốp đầu các trường THPT trong tỉnh và là trường chất lượng cao trong hệ thống trường dân tộc nội trú khu vực miền núi phía Bắc...” - cô Quỳnh nhấn mạnh.

Quan tâm thực hiện chính sách phát triển giáo dục dân tộc

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, Lào Cai nói riêng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Ngọc Bằng

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Ngọc Bằng

Không chỉ riêng tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, những năm qua, công tác giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số luôn được ngành giáo dục tỉnh Lào Cai quan tâm. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, thực hiện các chính sách phát triển giáo dục dân tộc, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục học sinh dân tộc hằng năm; hướng dẫn các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình địa phương, sát đối tượng học sinh.

Ngành giáo dục đã triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách giáo dục dân tộc; tổ chức bữa ăn cho trẻ theo quy định; thực hiện quản lý trẻ em theo đúng quy định của Điều lệ trường mầm non và Chương trình giáo dục mầm non; chú trọng bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động, như: dạy học song ngữ cho trẻ mầm non ở huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa; trang trí nhóm lớp có môi trường song ngữ cho trẻ mầm non.

 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đang trở thành "mái nhà chung" cho học sinh dân tộc thiểu số, là "cái nôi" đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chất lượng của tỉnh. Ảnh: Ngọc Bằng

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đang trở thành "mái nhà chung" cho học sinh dân tộc thiểu số, là "cái nôi" đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chất lượng của tỉnh. Ảnh: Ngọc Bằng

Đến năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 1.910 cán bộ, giáo viên cấp tiểu học là người dân tộc thiểu số; giáo viên biết giao tiếp bằng tiếng dân tộc là 150 người; giáo viên dạy được tiếng dân tộc là 19 người; giáo viên được đào tạo chuẩn để dạy tiếng dân tộc là 3 người. Một số nhà trường tổ chức câu lạc bộ phát thanh măng non bằng hai thứ tiếng Việt - Mông, mời nghệ nhân đến dạy học sinh các bài hát, ca dao, bài khèn, các phong tục tập quán; tổ chức cho học sinh tham gia lễ hội truyền thống của các dân tộc và chia sẻ lại bằng 2 ngôn ngữ, phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số...

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết: Lào Cai luôn quan tâm đến công tác đào đạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngành giáo dục đã tổ chức thực hiện tốt các đề án, các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; tiếp tục quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất khuyến khích học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số học tập nghiên cứu, rèn luyện, tu dưỡng và phát huy khả năng của mình trong mọi hoàn cảnh, ngày một trưởng thành, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng tỉnh Lào Cai giàu đẹp, văn minh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/quan-tam-dao-tao-nguon-nhan-luc-dan-toc-thieu-so-cho-tinh-lao-cai-post387452.html