QUAN TÂM ĐẦU TƯ TẠO NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI
Sáng ngày 23/9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và dự kiến công tác năm 2021; phân bổ sử dụng, quản lý NSNN năm 2020 và dự toán NSNN năm 2021 thuộc các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, nên tổng mức vốn đầu tư trong 5 năm đã được xác định; căn cứ tình hình cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, tình hình giao và thực hiện kế hoạch các năm 2016 - 2019, nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2020 các lĩnh vực văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo được các bộ, ngành và địa phương xác định trong khuôn khổ phù hợp với kế hoạch đầu tư trung hạn.
So với nhu cầu năm 2020, trong thực tế khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm không đạt mức đề ra trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển năm 2020 của cả nước không đáp ứng được nhu cầu và kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 còn lại, vì thế số vốn cân đối cho các lĩnh vực trên cũng chỉ đáp ứng được 50 - 70% nhu cầu vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, ngành văn hóa đáp ứng 54% nhu cầu; ngành thể thao đáp ứng 80% nhu cầu, ngành du lịch đáp ứng 60% nhu cầu, ngành thông tin đáp ứng 51% nhu cầu, ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng 52% nhu cầu.
Còn theo Bộ Tài chính, tính đến 30.6.2020, về cơ bản các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã hoàn thành phân bổ dự toán chi thường xuyên theo các nghị quyết của Quốc hội, quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ và quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính. Công tác phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2020 đối với các lĩnh vực văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tấn và thể thao, du lịch thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; việc điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán được giao.
Dự toán ngân sách Trung ương cùng với chi ngân sách địa phương, chi thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng, tài trợ (điện ảnh, cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn...), nguồn lực dành cho lĩnh vực văn hóa - thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn; thể thao và du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các nghị quyết, chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước...
Tại buổi làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng quan tâm tới đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục; việc bóc tách, thống kê số liệu trong một số lĩnh vực như văn hóa, trẻ em; một số chương trình trong lĩnh vực văn hóa, Chính phủ đã ban hành nhưng không có nguồn lực đầu tư; ngân sách chuẩn bị cho SEA Games 31; Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, hiện nay cần nhìn nhận văn hóa, giáo dục tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Vấn đề đầu tư cho con người cần được quan tâm, tạo ra thế hệ công dân Việt Nam có nền tảng văn hóa, giáo dục, thể lực tốt, có khát vọng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba mũi nhọn đột phá để phát triển đất nước thời gian tới./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48542