Quan tâm đến người cao tuổi cũng là khẳng định trách nhiệm với thế hệ mai sau
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định điều này tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi, sáng 30/6.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định trong những năm qua, Chính phủ luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khi thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ đạt kết quả tốt trên nhiều mặt.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương tổng kết, đề xuất những chủ trương lớn trong chính sách xã hội đối với người cao tuổi. Điều này một mặt phát huy vai trò, tầm quan trọng, sự đóng góp người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mặt khác là sự chủ động dự báo đầy đủ tình hình, đề xuất tầm nhìn chiến lược về chăm sóc người cao tuổi.
Tham mưu chủ động, kịp thời về công tác người cao tuổi
Theo Phó Thủ tướng, công tác chăm lo, phát huy vai trò của người cao tuổi hiện nay cần được xem xét trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số nên phải nhanh chóng hình thành những chính sách trụ cột về an sinh xã hội, bảo hiểm, y tế,… Đồng thời, thế giới đang ở trong thời điểm lịch sử, có tính bước ngoặt để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, trong đó, Việt Nam cũng đang phải vượt qua thách thức cũng như tận dụng cơ hội mới.
"Chúng ta cần có đánh giá đúng đắn về công tác người cao tuổi giai đoạn vừa qua, đồng thời dự báo cho các giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, 2050, từ đó, tham mưu chủ động, kịp thời cho Đảng, Nhà nước về công tác trong lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "chăm lo thế hệ mai sau nhưng cũng cần quan tâm đầy đủ cho người cao tuổi".
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết 6 tháng đầu năm 2023, công tác người cao tuổi được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với việc ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật và hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện.
Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi ban hành kế hoạch, chương trình chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Hiện đã có 13 tỉnh/thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định; 20 tỉnh/thành phố mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó phần lớn là người cao tuổi. Đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi ngày càng được cải thiện, nhất là người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc người cao tuổi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như đời sống của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn, nhất là người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa; tỉ lệ người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với tỉ lệ chung của cả nước.
Chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, mức trợ cấp xã hội thấp. Khoảng 5% người cao tuổi từ 60-80 không thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có lương hưu và trợ cấp xã hội, chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế… Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, rèn luyện thân thể tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập còn nhiều hạn chế…
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị thời gian tới, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến người cao tuổi; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phát triển hệ thống cơ sở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi huy động khu vực tư nhân tham gia.
Người cao tuổi là tài sản vô cùng quý giá
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá công tác bảo vệ, phát huy, chăm sóc người cao tuổi tiếp tục chuyển biến rõ rệt. Bộ máy tổ chức người cao tuổi từng bước hình thành đồng bộ, hoạt động hết sức tự nguyện, trách nhiệm, tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường ở địa phương. "Các cụ tuổi cao, chí càng cao, là tấm gương tốt đẹp cho con cháu", Phó Thủ tướng nói.
Nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi được lồng ghép vào các chương trình nhiệm vụ, mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, miền núi.
"Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, người cao tuổi luôn giữ vai trò, vị trí rất quan trọng. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn và các giá trị gia đình tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, người cao tuổi là tài sản vô cùng quý giá cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo", Phó Thủ tướng nói và ghi nhận các cấp hội đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thường xuyên, chu đáo các hoạt động mừng thọ, vận động nguồn lực để tặng quà, thăm hỏi người cao tuổi vùng dịch bệnh, thiên tai.
Phó Thủ tướng đề nghị cần tổng kết, đánh giá kỹ hơn hiệu quả hoạt động của nhiều mô hình sinh hoạt dành cho người cao tuổi về văn hóa, thể dục, thể thao, các câu lạc bộ…, từ đó động viên, khen thưởng kịp thời, nhân rộng.
Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho người cao tuổi
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề lớn đang đặt ra đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi. Đó là đời sống một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn, thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Cơ sở vật chất hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi neo đơn, hoàn cảnh khó khăn còn rất thiếu thốn. Vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế.
Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi chưa được quan tâm đầy đủ. Việc bố trí các cơ sở hạ tầng về xã hội, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cho người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu. Chính sách, pháp luật đối với đội ngũ làm công tác người cao tuổi chưa đủ mạnh để huy động, khuyến khích sự tham gia của những người có năng lực.
Có lúc, có nơi, người cao tuổi chưa được bảo vệ đầy đủ, còn bị bạo hành, ngược đãi, chưa được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp…
"Chúng ta cần phải tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho người cao tuổi, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội", Phó Thủ tướng nói và khẳng định vai trò quan trọng của người cao tuổi trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, "là những tấm gương về tri thức, kiến thức, sự mẫu mực trong cuộc sống".
Thế giới đang thay đổi nên Hội Người cao tuổi không thể đứng yên
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH khẩn trương rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật chính xác số liệu về người cao tuổi hiện có, điều kiện sống, số người được hưởng các chế độ, chính sách xã hội… từ đó, tính toán chính xác nhu cầu nguồn lực chăm sóc, đồng thời nghiên cứu vấn đề người cao tuổi ở các nước có dân số già để rút ra những bài học, kinh nghiệm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cùng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng tình hình và đưa ra các dự báo về già hóa dân số, đánh giá tác động đối với kinh tế, chính trị, xã hội; từ đó tham mưu chính xác, đầy đủ, kịp thời cho cấp có thẩm quyền.
"Đây là bài toán hết sức thách thức, giai đoạn dân số vàng đã qua, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam diễn ra rất nhanh, vì vậy, chúng ta cần có chính sách tương xứng nhằm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng cần xây dựng chiến lược quốc gia về người cao tuổi, nghiên cứu sửa đổi Luật Người cao tuổi…
Đồng tình với các ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng cho rằng bộ máy tổ chức các cấp hội người cao tuổi cần thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, có cơ chế, hình thức hoạt động phong phú, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ nòng cốt làm việc trong các cấp hội; phát triển các chi hội người cao tuổi trong tổ chức tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy vai trò chức sắc tôn giáo, người có uy tín…
Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 cần rà soát, tập trung vào xây dựng chiến lược; tham mưu chủ trương, chính sách pháp luật, tổ chức; tăng cường tuyên truyền nhận thức về vị trí, vai trò của người cao tuổi, trách nhiệm của xã hội.
"Chương trình hành động cần đề xuất giải pháp để cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi; tạo được nguồn lực hỗ trợ người cao tuổi đóng góp, cống hiến trong những lĩnh vực, công việc phù hợp như giáo dục cộng đồng, y tế cơ sở, giáo dục truyền thống", Phó Thủ tướng nói.
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các địa phương có phương án hỗ trợ kinh phí, bảo đảm 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế.
Trong các chương mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần phân bổ nguồn lực để xóa nhà dột nát, ưu tiên chăm lo cho người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; xem xét lại độ tuổi và mức hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi; khuyến khích xã hội hóa các trung tâm chăm sóc người cao tuổi (đất đai, thuế)…
Phó Thủ tướng giao các Bộ: VHTT&DL, Xây dựng, GTVT, Y tế… theo chức năng, nhiệm vụ phải tạo điều kiện hỗ trợ, trợ cấp, giảm chi phí cho người cao tuổi khi sử dụng các dịch vụ xã hội; bảo đảm cho người cao tuổi quyền được tiếp cận những ngành nghề phù hợp dựa trên sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm sống…
"Thế giới đang thay đổi nên Hội Người cao tuổi không thể đứng yên. Quan tâm đến người cao tuổi cũng là khẳng định trách nhiệm với thế hệ mai sau", Phó Thủ tướng nói.