Quan tâm đội ngũ cán bộ cấp trung tá trở xuống khi thôi phục vụ tại ngũ
Theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam hiện hành, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Đối với cán bộ cấp trung tá, thiếu tá, đại úy lần lượt là 51, 48 và 46 tuổi. Sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ theo một trong các hình thức: Nghỉ hưu; chuyển ngành; phục viên; nghỉ theo chế độ bệnh binh. Ở độ tuổi này và với lĩnh vực đào tạo đặc thù, khi nghỉ hưu, họ rất khó tìm được việc làm thêm để cải thiện thu nhập, trong khi vẫn phải lo toan, gánh vác kinh tế gia đình...
Mặc dù khoản 2 Điều 35 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định có 4 hình thức thôi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan nhưng thực tế hiện nay, phần lớn họ đều nghỉ hưu. Tại Quân khu 4, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam và thực tế ở các đơn vị cho thấy, đời sống của hầu hết cán bộ cấp trung tá trở xuống khi nghỉ hưu còn nhiều khó khăn vì lương hưu hạn chế, khó tìm việc làm thêm, trong khi vẫn phải lo toan nhiều bề.
Theo Thượng tá Nguyễn Giang Nam, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324 (Quân khu 4), khi được nghỉ hưu, sĩ quan cấp bậc trung tá, thiếu tá, đại úy thường có thời gian phục vụ trong Quân đội chưa đủ 35 năm, vì thế, lương hưu không được hưởng mức tối đa 75%, khiến cuộc sống của nhiều đồng chí rất khó khăn. Nếu chỉ dựa vào tiền lương hưu hằng tháng thì không thể bảo đảm nhu cầu cuộc sống bởi ở độ tuổi này, họ vẫn phải lo toan từ chi tiêu sinh hoạt, học tập của các con đến nuôi dưỡng cha mẹ già... Trong 10 năm (2013-2023), Sư đoàn 324 có 41 cán bộ là sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, trong đó, quân hàm cấp trung tá trở xuống là 31 đồng chí.
Sau khi xuất ngũ, các đồng chí này thường đầu tư vào phát triển chăn nuôi, sản xuất, số ít làm bảo vệ tại các công ty, xí nghiệp... “Qua gặp gỡ và được nghe ý kiến của các cán bộ đã nghỉ hưu, Sư đoàn cũng hết sức băn khoăn. Tất cả ý kiến đều nêu lên những khó khăn, bất cập khi nghỉ hưu ở độ tuổi này. Bởi với chuyên ngành đào tạo đặc thù, họ rất khó kiếm việc làm phù hợp và cũng không thể đi học nghề ở độ tuổi này. Trước khi trao quyết định nghỉ chế độ cho cán bộ, chúng tôi cũng chỉ biết động viên anh em cố gắng khắc phục khó khăn, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ để vươn lên trong cuộc sống”, Thượng tá Nguyễn Giang Nam cho biết thêm.
Tương tự như ở Sư đoàn 324, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An làm thủ tục cho hàng chục sĩ quan, QNCN nghỉ theo chế độ, trong đó khoảng 75% có quân hàm trung tá trở xuống. Sau 28 năm công tác trong Quân đội, trải qua nhiều đơn vị, đầu tháng 8 vừa qua, Thiếu tá Nguyễn Thái Bình, Trợ lý động viên Ban CHQS huyện Tân Kỳ (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An) nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ.
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thái Bình nói: “Chứng kiến nhiều đồng đội đi trước khi về hưu ở độ tuổi này rất khó tìm việc làm nên gần 5 năm qua, tôi đã đầu tư kinh phí, thời gian xây dựng trang trại của gia đình. Thu nhập từ chăn nuôi, sản xuất không cao nhưng cộng với lương hưu cũng tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình”.
Thiếu tá Lê Xuân Long, nguyên Trợ lý binh chủng Ban CHQS thị xã Kỳ Anh (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) có vợ là giáo viên tiểu học, hai con đang học đại học. Mỗi tháng, gia đình anh chi tiêu gần 20 triệu đồng. Thu nhập từ lương hưu của anh và lương giáo viên của vợ không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hằng tháng. Vì thế, sau khi nghỉ hưu, anh đã trải qua nhiều công việc. Nhưng ở tuổi 49, công việc bảo vệ ở ngân hàng có lẽ phù hợp nhất với anh. Đức tính kiên nhẫn, tác phong chính quy của người quân nhân đã giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhân viên bảo vệ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Long chia sẻ: “Độ tuổi 46-51 rất khó tìm công việc phù hợp. Tôi mong rằng hệ thống pháp luật có liên quan sớm được sửa đổi để tạo điều kiện cho đội ngũ sĩ quan khi nghỉ hưu được hưởng mức lương phù hợp, góp phần giảm bớt khó khăn”.
Những khó khăn, mong mỏi của đội ngũ cán bộ cấp trung tá trở xuống khi thôi phục vụ tại ngũ là xác đáng. Do đó, quá trình xây dựng pháp luật cần tính đến những chính sách đặc thù đối với cán bộ Quân đội để giải quyết tốt những vấn đề trên; chính sách pháp luật phải phản ánh được tính chất đặc thù, đặc biệt của lao động trong Quân đội là lao động xương máu, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời thu hút được người tài vào Quân đội.
Bài và ảnh: THIÊN THẢO
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.