Quan tâm giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ

Báo Thái Nguyên lược ghi một số tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, hội viên phụ nữ.

Thực tế hiện nay, phụ nữ ở khu vực nông thôn vẫn chịu nhiều thiệt thòi về cơ hội học tập, việc làm, tiếp cận thông tin. Do đó, đại biểu phụ nữ đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nữ ở khu vực nông thôn.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Quang (TP. Sông Công) Hoàng Thị Yến nêu kiến nghị.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Quang (TP. Sông Công) Hoàng Thị Yến nêu kiến nghị.

Về vấn đề này, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động cho hội viên phụ nữ. Đồng thời, rà soát các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trình độ, năng lực của người lao động.

Sắp tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nữ ở khu vực nông thôn…

Để tạo điều kiện cho Hội LHPN các cấp thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số, đại biểu đề nghị UBND tỉnh có cơ chế tạo điều kiện về kinh phí trang bị máy tính làm việc cho các cấp Hội LHPN, đặc biệt là cấp cơ sở.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Định Hóa Nông Thị Phương Sao đề nghị về nội dung trang bị đầy đủ máy tính làm việc cho các cấp Hội.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: Để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó có Hội LHPN các cấp, các đơn vị cần chủ động đăng ký nguồn ngân sách chi thường xuyên.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh cần phối hợp đề xuất các nhiệm vụ phục vụ công tác chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các cấp hội và hội viên.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Trại Gião, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) Hoàng Thị Tám nêu vấn đề: Hiện nay, việc chi trả chế độ cho Chi hội trưởng phụ nữ còn thấp so với khối lượng công việc. Đề nghị UBND tỉnh xem xét tăng mức chi trả.

Đại biểu Hoàng Thị Tám, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Trại Gião, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), nêu ý kiến.

Về vấn đề này, đại diện Sở Nội vụ giải trình, việc chi trả chế độ cho Chi hội trưởng phụ nữ nói riêng và người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố nói chung hiện nay được thực hiện theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thay thế các văn bản trên.

Hiện nay, giá bồi thường đất và các công trình, tài sản trên đất để thực hiện các dự án còn quá thấp so với giá thị trường. Vì vậy, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) Đỗ Thị Tân đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét tăng mức bồi thường đất và tài sản trên đất.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Phái (Phổ Yên) Đỗ Thị Tân.

Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xác định giá bồi thường đất và tài sản trên đất đã được thực hiện đúng theo quy định tại các văn bản hiện hành. Tuy nhiên, với nội dung phản ánh của hội viên phụ nữ, các ngành chức năng ghi nhận và sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố xem xét, xác định mức bồi thường đất, tài sản cho phù hợp với giá thị trường.

Hiện nay, việc chọn người tham gia công tác y tế thôn bản gặp khó khăn do chế độ phụ cấp thấp; một số cán bộ y tế thôn bản là cán bộ hội phụ nữ kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo. Chủ tịch Hội LHPN xã Phấn Mễ (Phú Lương) Vũ Bích Thủy nêu kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ học phí cho cán bộ phụ nữ kiêm nhiệm tham gia học tập lớp y tế thôn bản.

Chủ tịch Hội LHPN xã Phấn Mễ (Phú Lương) Vũ Bích Thủy.

Về nội dung này, đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết, toàn tỉnh hiện có 176 người có nguyện vọng tham gia khóa đào tạo nhân viên y tế thôn bản. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có căn cứ pháp lý để ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho cán bộ phụ nữ tham gia các khóa đào tạo nhân viên y tế thôn bản.

Sắp tới, Sở Y tế sẽ nghiên cứu, đề nghị UBND các địa phương quan tâm, phối hợp để mở lớp đào tạo theo nhu cầu tại địa phương. Ngoài ra, đề nghị lãnh đạo địa phương và các ban, ngành tiếp tục phối hợp thực thi đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản theo quy định.

Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu đề nghị UBND tỉnh, ngành Bảo hiểm xã hội quan tâm đưa chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ vào danh mục chi trả của Bảo hiểm y tế.

Về nội dung này, đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và phối hợp với Sở Y tế để tiếp tục phản ánh lên các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung quy định.

Liên quan đến công tác Hội Phụ nữ, đại biểu nêu: Hiện nay, nhiều phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu nhưng không có mặt tại địa phương và một số phụ nữ đã kết hôn nhưng chưa cắt khẩu khỏi địa phương. Nếu tính gộp tất cả số phụ nữ trên để tính tỷ lệ thu hút hội viên thì sẽ không đảm bảo và không phù hợp.

Đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh cho hay, công thức tính tỷ lệ thu hút hội viên các xã, phường, thị trấn là tổng số hội viên/tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Đối với số liệu về phụ nữ từ 18 tuổi trở lên thì sử dụng số liệu của ngành Thống kê.

Tuy nhiên, nếu không tính nhóm đối tượng được đại biểu nêu bên trên thì sẽ không đảm bảo tỷ lệ do Trung ương phân bổ. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất với Trung ương Hội LHPN Việt Nam điều chỉnh cách tính số liệu phụ nữ từ 18 tuổi trở lên để phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện nay một số hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý đang gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, giá cả không ổn định… Do đó, một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm La Cút, xã La Bằng (Đại Từ) Nguyễn Thị Dự đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ các HTX do phụ nữ tham gia quản lý.

Về nội dung này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Các HTX gặp khó khăn về đầu ra, giá cả không ổn định cần sự giúp đỡ, hỗ trợ, đề nghị Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tham vấn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra,nhiều phụ nữ bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vốn vay giải quyết việc làm trong chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Chủ tịch Hội LHPN xã Kha Sơn (Phú Bình) Dương Thu Hương.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo NHCSXH thông tin, đơn vị đang đề nghị NHCSXH Trung ương bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện Chương trình việc làm tỉnh Thái nguyên giai đoạn 2023-2025 để đề nghị UBND tỉnh cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện chương trình…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202310/quan-tam-giai-quyet-nhieu-van-de-lien-quan-den-phu-nu-f031572/