Quan tâm giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tiếp tục diễn đàn lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hóa xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến của cán bộ, công chức trong tỉnh.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):
Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, huyện Bá Thước:
Quan tâm giải quyết vấn đề “thiếu đất sản xuất" cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trước hết tôi thống nhất cao sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đất đai là yếu tố quan trọng chi phối mạnh nhất cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa. Đảm bảo quyền sử dụng đất là một trong yếu tố đặc biệt trong chính sách phát triển các cộng đồng DTTS. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về giải quyết đất đai cho đồng bào DTTS, giúp hàng trăm ngàn hộ dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hộ đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất.
Việc thiếu đất sản xuất khiến đời sống nhiều hộ dân khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những “rào cản” trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân thực tiễn cho thấy, hiện nay các nông, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên… trên địa bàn tỉnh được giao sử dụng diện tích đất đai rất lớn, thậm chí sau khi thành lập, quy hoạch có sự chồng lấn lên đất sản xuất, đất ở của cộng đồng dân cư, dẫn tới người dân bị mất quyền và chịu nhiều quy định ngặt nghèo về đất ở, đất sản xuất.
Tại xã Lũng Cao, sau khi thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, các bản như: Kịt, Cao Hoong, Pốn Thành Công… “bỗng” nằm trong vùng quy hoạch. Từ đó dẫn tới tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của bà con. Liên quan đến đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS tại các Điều từ 188 đến 190 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhắc đến 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) quy định hộ gia đình, cá nhân khi được giao đất rừng được sử dụng kết hợp với mục đích kết hợp trồng cây hằng năm, cây dược liệu, chăn nuôi; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí; được xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Tuy nhiên, ở các địa phương miền núi, vấn đề đất ở của người dân đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng sạt lở đất diễn ra nhiều. Vì vậy, trong quy định về đất rừng nên bổ sung thêm nội dung “nếu như đất rừng mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì cho phép địa phương được chuyển mục đích một phần đất rừng sang đất sản xuất”.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch 3 loại rừng nói chung và đất rừng khu bảo tồn nói riêng cần bổ sung việc lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đặc biệt là người dân nằm trong vùng quy hoạch đất khu bảo tồn. Cụ thể, ngoài những chính sách hiện hành đang thực hiện cần bổ sung, phân quyền UBND tỉnh được phép quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư trên đất rừng ở những vị trí phụ cận phù hợp với không gian và không ảnh hưởng đến an ninh rừng, nhằm giải quyết việc thiếu đất ở và cấp đất ở cho người dân. Từ đó, giúp đồng DTTS có đất ở, đất sản xuất, yên tâm an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Đỗ Thị Trang, Chủ tịch UBND phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa:
Thu hồi đất cần quan tâm hơn vấn đề sinh kế cho người dân
Việc thu hồi đất cần đảm bảo 3 điều kiện: Thứ nhất là thuộc trường hợp thật cần thiết; thứ hai, do luật định; thứ ba, vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Thu hồi đất phải bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, đặc biệt là vấn đề sinh kế lâu dài. Tránh tình trạng thu hồi khi chưa thực sự cần thiết, thu hồi không xuất phát từ lợi ích cộng đồng mà lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Thực tế lâu nay việc thu hồi đất với đơn giá đền bù theo quy định khung giá đất Nhà nước thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Trong khi việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm là không quá 5 lần giá đất ở và do từng địa phương quy định. Lâu nay trên địa bàn TP Thanh Hóa mức hỗ trợ là 1,5 lần giá đất ở là rất thấp, mặc dù địa phương đã kiến nghị nhưng chưa có sự thay đổi.
Do đó, cần quy định mức hỗ trợ cụ thể cao hơn so với trước và công bằng hơn giữa các địa phương, tỉnh, thành phố. Bởi, người dân khi mất tư liệu sản xuất không có công ăn việc làm, đều rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm như nhau, nhất là những đối tượng ngoài độ tuổi lao động, không nên có mức hỗ trợ khác nhau giữa các vùng, các tỉnh. Đồng thời, ở mỗi dự án khi thu hồi cần đặt vấn đề bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng là phải bảo đảm sinh kế, tạo công ăn việc làm lâu dài, bền vững cho người dân.
Tôi cũng đánh giá cao việc dự thảo lần này quy định bỏ khung giá đất. Đây được xem là điểm đổi mới, đột phá, tạo ra được tính công bằng. Nếu trước đây, địa bàn phường để giải phóng mặt bằng được tuyến đường để thi công là hết sức khó khăn do vấp phải nhiều phản đối. Đơn cử, việc giá đền bù mức 3,5 triệu đồng/m2 theo giá Nhà nước quy định. Trường hợp các gia đình tái định cư thì không sao vì giá đi thấp, giá đến cũng thấp. Tuy nhiên, đối với những hộ không đủ điều kiện tái định cư mà đền bù bằng tiền thì rất thất thiệt. Ví dụ, người dân bỏ tiền mua đất với giá 15 triệu đồng/m2 theo giá thị trường nhưng khi đền bù thì áp mức giá 3,5 triệu theo khung giá đất quy định. Mức đền bù thấp hơn nhiều lần dẫn tới những phản ứng, sự không đồng tình.
Bên cạnh đó, dự thảo lần này nên nghiên cứu bãi bỏ việc giao cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân, mà tất cả các dự án thì Nhà nước có trách nhiệm thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp. Thực tế lâu nay đang tồn tại sự mất cân bằng trong việc thu hồi đất. Nếu Nhà nước thu hồi đất theo khung giá đất thì mức đền bù rất thấp. Trong khi Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất, tự thỏa thuận với người dân mức giá đền bù lại rất cao. Từ đó xảy ra câu chuyện, 2 lô đất giáp ranh cùng loại nhưng lại có chênh lệch nhau khi đối tượng thu hồi, thỏa thuận đền bù khác nhau.
Trong khi nội hàm một dự án Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất tự thỏa thuận với dân cũng có nhiều bất cập. Cụ thể sẽ có nhiều mức giá đền bù, thỏa thuận khác nhau. Mức thỏa thuận đền bù ban đầu dành cho những hộ đồng thuận sẽ thấp hơn mức những hộ chưa đồng thuận, doanh nghiệp sẽ phải thỏa thuận nâng cao thêm. Từ đó dẫn đến câu chuyện so sánh, đơn thư khiếu kiện, kéo dài thời gian dự án…
Một đề xuất nữa là dự thảo nên quy định thời gian sử dụng đất nông nghiệp lâu dài thay vì từ hạn mức 20 năm sửa đổi thành 50 năm. Đất là nguyên thổ quốc gia, khi Nhà nước triển khai dự án thì việc thu hồi đều phải hỗ trợ, đền bù việc hạn mức 20 năm hay 50 năm thì đều không khác nhau.