Quan tâm giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ
Định hướng nghề nghiệp, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những giải pháp hữu hiệu được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm thực hiện trong những năm gần đây. Qua đó, nhiều quân nhân khi trở về địa phương được học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao đời sống.
Nhờ được học nghề, anh Nguyễn Thanh Phong, tổ dân phố số 4, phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) có một công việc ổn định, mang lại thu nhập cho gia đình.
Anh Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1994, Tổ dân phố số 4, phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) là quân nhân xuất ngũ năm 2014. Khi về địa phương anh được cơ quan chức năng, cán bộ địa phương và gia đình tư vấn đi học nghề mộc. Khi có nghề trong tay, anh đã làm thuê cho một xưởng sản xuất đồ gỗ ngay tại địa phương với mức thu nhập 7,5-8 triệu đồng/tháng.
Anh Phong chia sẻ: Bản thân tôi trước đây cũng thích học nghề mộc nên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) tôi đã theo học nghề này và thích nghi ngay với công việc. Đến nay, nhờ có tay nghề vững vàng tôi đã có một công việc ổn định, có thu nhập thường xuyên.
Cũng là bộ đội xuất ngũ, nhưng anh Nguyễn Tiến Văn, sinh năm 1995, xã Bắc Lý (Lý Nhân) lại theo học nghề lái xe và hiện nay có thu nhập ổn định. Anh Văn cho biết: Sau khi xuất ngũ, năm 2016, tôi được cấp thẻ học nghề sơ cấp. Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, tôi quyết định chọn học lái xe tải (hạng C). Sau khi tốt nghiệp, tôi vay mượn anh em mua 1 chiếc xe tải 3,5 tấn chuyên chở hàng hóa. Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng nên công việc cũng khá bận rộn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Anh Phong, anh Văn là hai trong số nhiều thanh niên xuất ngũ được tư vấn học nghề và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong những năm gần đây, cũng có nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ trở về địa phương thường có tư tưởng “ngại học nghề” mà xin vào làm việc tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất để có ngay nguồn thu nhập giúp đỡ gia đình; một số lại thích đi xuất khẩu lao động để có thêm một khoản kinh tế sau này sản xuất kinh doanh. Được biết, sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương, số quân nhân này được Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện cấp thẻ học nghề, được tư vấn, định hướng học nghề nhưng nhiều quân nhân xuất ngũ không “mặn mà” với thẻ học nghề mà quân đội đã phát sau khi ra quân.
Anh Vũ Văn Hiệp, thôn 4, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) cho biết: Xuất ngũ năm 2019, có thẻ học nghề trong tay nhưng không biết chọn nghề nào phù hợp với mình và lo khi học xong không tìm được việc làm. Bởi vậy, tôi đã quyết định làm việc tại Công ty chuyên sản xuất đồ chơi tại xã Nhân Chính với mức thu nhập 5,5-6 triệu đồng/tháng để giúp đỡ gia đình. Tâm lý của anh Hiệp cũng là tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ bộ đội xuất ngũ hiện nay.
Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm Hà Nam có khoảng 1.300 thanh niên hoàn thành NVQS trở về địa phương. Tuy nhiên, số đông quân nhân ngại phải đi học nghề. Nguyên nhân là do, một số trường nghề còn thiếu ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu đồng bộ, không theo kịp với xu thế của thị trường lao động. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, định hướng còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động xuất ngũ có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự định hướng của gia đình đối với quân nhân xuất ngũ còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp. Cơ quan quân sự các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa với những trường, cơ sở dạy nghề, đào tạo những nghề theo nhu cầu của xã hội, đổi mới trang thiết bị, phương pháp dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, truyền nghề để mỗi học viên sau khi ra trường có kiến thức và tay nghề vững vàng. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương và đơn vị dạy nghề cũng cần phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo đầu ra, giúp bộ đội xuất ngũ có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.
Trần Ích
Trần Ích