Quan tâm giải quyết việc làm ngay từ đầu năm

Những tháng đầu năm, lực lượng lao động trên địa bàn đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng. Để hỗ trợ người lao động, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức công tác tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở dạy nghề… Từ đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho hơn 21.000 lao động trong năm nay.

Lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV Seshin VN2 ở Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang). Ảnh: Huy Hoàng

Trong năm 2019, đã có hơn 27 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh được giải quyết việc làm mới, đạt trên 134% kế hoạch năm. Phát huy kết quả đã đạt được, ngay trong những tháng đầu năm 2020, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ về giải quyết việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm; triển khai thực hiện điều tra thu thập thông tin biến động về cung, cầu lao động năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh theo kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tăng cường tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động...

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong những ngày đầu năm đã tiếp đón hàng trăm lượt lao động trên địa bàn tỉnh đến nhận thông tin tư vấn việc làm và nộp hồ sơ xin đi làm việc tại các doanh nghiệp có nhu cầu. Căn cứ vào nhu cầu, trình độ của lao động, Trung tâm đã có những tư vấn cụ thể, phù hợp. Cùng với đó, hướng dẫn người lao động hoàn thành các thủ tục để đi làm việc. Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, không chỉ tư vấn trực tiếp cho người lao động tại trụ sở, Trung tâm còn thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin về thị trường lao động trên trang thông tin của Trung tâm. Trung tâm cũng có kế hoạch tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên tổ chức tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tăng hiệu quả giải quyết việc làm ở những vùng “trũng”.

Anh Bàn Càn Tá, dân tộc Dao ở xã Minh Hương (Hàm Yên) nói, sau khi học xong THPT anh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Anh đã gọi điện đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nhờ tư vấn. Sau đó, được cán bộ Trung tâm cung cấp thông tin các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động hiện đang được cấp phép tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Anh đã lựa chọn được một công ty và đang chuẩn bị các điều kiện đăng ký đi học tập.

Lao động làm việc tại Nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Lao động làm việc tại Nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Không có nhu cầu đi làm việc ở xa, anh Hà Văn Tuấn ở xã Thái Long (TP Tuyên Quang) đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang. Anh Tuấn chia sẻ, với mức thu nhập cả tăng ca đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, anh đã có thu nhập ổn định để phụ giúp gia đình. Số tiền tích cóp được vợ chồng anh dự định sẽ mở một cửa hàng kinh doanh tổng hợp để có thêm thu nhập.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 46 nghìn lao động đang làm việc tại gần 1.700 doanh nghiệp, mức lương bình quân của người lao động trong năm 2019 đạt trên 5,6 triệu đồng/người/tháng. Mục tiêu năm 2020, toàn tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh chiếm chủ yếu với hơn 15.000 lao động; lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước hơn 5.000 người và xuất khẩu lao động 300 người.
Đến cuối tháng 2, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 3.125 lao động, đạt 14,88% kế hoạch năm. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch tuyển sinh đào tạo cho 8.000 lao động các trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng nghề, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60%, trong đó qua đào tạo nghề là 37%...

Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, ngay từ đầu năm nhà trường đã triển khai các giải pháp toàn diện, trong đó chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, gắn đào tạo tại nhà trường với cơ sở sản xuất. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung các kiến thức, công nghệ mới vào chương trình đào tạo, nhất là các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, nâng cao ý thức, kỹ năng của học sinh, sinh viên đối với cộng đồng và xã hội… Từ đó, giúp học viên đào tạo ra, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, góp phần nâng cao tỷ lệ học viên có việc làm ngay.

Với nhiều giải pháp đồng bộ đang được thực hiện, chắc chắn tỉnh ta sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu về giải quyết việc làm năm 2020. Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/nguon-nhan-luc/quan-tam-giai-quyet-viec-lam-ngay-tu-dau-nam-129035.html