Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu nhi
Ngày nay, cùng với sự phát triển và đi lên của xã hội, mỗi chúng ta được sống trong môi trường văn minh, hiện đại hơn, nhưng kéo theo đó cũng có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Trong đó, sự lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu nhi (TTN), dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại như vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, nghiện ma túy, game online, bạo lực học đường, sống hưởng thụ, lười lao động và học tập, thiếu ý thức rèn luyện... Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho TTN.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa).
Xác định giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho TTN có ý nghĩa hết sức quan trọng, theo đó, cùng với việc ban hành các kế hoạch, chương trình hành động, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích. Trong đó, hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các diễn đàn, tọa đàm; hội thi, hội diễn, nói chuyện truyền thống được thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ năm 2019 đến nay, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu 990 năm Thanh Hóa; thi viết “Tìm hiểu 990 năm Thanh Hóa”; liên hoan nghệ thuật quần chúng hát về quê hương Thanh Hóa; tổ chức hành trình du khảo về nguồn, thăm các “địa chỉ đỏ”... thu hút hơn 800.000 lượt cán bộ, đoàn viên, TTN tham gia. Thông qua hoạt động về nguồn giúp TTN ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua học tập, rèn luyện để noi theo tấm gương của các thế hệ đi trước. Cũng trong thời gian trên, thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đã có hơn 200.000 tin tốt, câu chuyện đẹp được đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng của các đơn vị thuộc các cấp bộ đoàn.
Ở lứa tuổi TTN, các em thường thích tìm tòi cái mới, cái lạ nhưng chưa nhận thức sâu sắc đâu là cái tốt, cái xấu. Vì vậy, các em cần được quan tâm, giáo dục kỹ năng sống để giữ vững lập trường, tự bảo vệ mình trước sự lôi kéo của các thành phần xấu ngoài xã hội. Nhận thức được điều này, một số mô hình, câu lạc bộ (CLB) học thuật, CLB giáo dục pháp luật; CLB phòng, chống tệ nạn xã hội đã được các cấp bộ đoàn thành lập, nhằm nâng cao kiến thức phục vụ cho việc học; cũng như cung cấp các kiến thức về pháp luật, tệ nạn xã hội, giới tính, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và tự vệ... cho đoàn viên, TTN. Theo thống kê, qua hoạt động của các CLB, hội nghị, diễn đàn, 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 300 đợt tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật; gần 10.000 buổi truyền thông lồng ghép về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đối với cuộc sống con người; tổ chức được 1.500 buổi tuyên truyền về âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phòng chống tội phạm mua bán người cho gần 200.000 đoàn viên, thanh niên; phát 17.000 tờ rơi, cắt dán hơn 20.000 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các cụm dân cư, trường học, chợ, bệnh viện, bến xe...; tổ chức được hơn 14.000 buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật”. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đoàn viên TTN về việc hình thành thói quen học tập, nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Em Lê Minh Quân, học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn), cho biết: “Trước đây em rất nhút nhát, ngoài việc học hầu như em không tham gia các hoạt động đoàn thể của trường, của lớp. Nhưng từ khi sinh hoạt các CLB do đoàn trường tổ chức, em được trang bị kiến thức về nhiều lĩnh vực, được giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các bạn, em thấy mình mạnh mẽ, tự tin và hiểu biết hơn về các vấn đề xã hội”.
Cùng với những hoạt động trên, nhằm giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho TTN, các cấp bộ đoàn còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh mời các nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh nói chuyện với thiếu nhi và đoàn viên. Nội dung các cuộc nói chuyện xoay quanh chủ đề về lịch sử dân tộc, nêu gương sáng về tinh thần vượt khó, lối sống gương mẫu, ý thức kỷ luật của người lính Cụ Hồ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách... Ngoài ra, các cấp bộ đoàn còn tổ chức tuyên truyền, nhân rộng những hành động đẹp, việc làm ý nghĩa của các gương TTN. Đơn cử như em Vũ Văn Hùng, học sinh lớp 9A Trường THCS Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) với hành động dũng cảm cứu 3 em nhỏ thoát khỏi đuối nước; sự hy sinh tính mạng của em Hoàng Đức Hải để cứu 3 mẹ con thuộc phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn) thoát khỏi đuối nước; đoàn viên Phạm Bá Huy, chi đoàn bản Nhài, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đã dũng cảm cứu người mắc kẹt giữa dòng nước lũ...
Tuy nhiên, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho TTN vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ vẫn diễn biến phức tạp... Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho TTN đạt kết quả cao hơn, bên cạnh vai trò tích cực của tổ chức đoàn cần sự chung tay, gắn kết của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, việc gắn kết giữa “ba nhà” càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của các em theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng sự hình thành giá trị đạo đức tốt đẹp và xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh trong TTN.