Quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi cả nước nói chung, miền núi tỉnh Thanh Hóa nói riêng luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Giờ học ngoại khóa của các em học sinh Trường Tiểu học Thanh Lâm (Như Xuân).
Từ những chính sách thiết thực, hiệu quả, có thể thấy cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp học vùng DTTS, miền núi xứ Thanh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Ngay tại các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... đã có lớp mầm non, các điểm trường lẻ, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, bản tạo cơ hội cho trẻ em đồng bào DTTS trong độ tuổi được đi học... Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học vùng DTTS đã có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh đến trường, hoàn thành và tốt nghiệp các cấp học luôn tăng. Điển hình tại huyện Thạch Thành, với mạng lưới trường, lớp ổn định, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; cơ sở vật chất được tăng cường từ nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, hàng năm tỷ lệ học sinh được lên lớp đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 98% trở lên; chất lượng giáo dục mũi nhọn nhiều năm dẫn đầu 11 huyện miền núi. Tại huyện Bá Thước, trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm 2020 đạt 23 giải, trong đó có 4 giải nhì, 6 giải ba, 13 giải khuyến khích. Các trường có học sinh đạt giải gồm THCS thị trấn Cành Nàng (11 giải), Trường THCS Dân tộc nội trú huyện (2 giải), Trường THCS Ban Công (2 giải), THCS Bùi Xuân Chúc (2 giải), Trường THCS Thành Lâm (2 giải)...
Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của tỉnh ta đạt 87,7%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72,69%. Phần lớn các thôn, bản vùng cao, biên giới đã có lớp mầm non, có trường tiểu học và THCS; các huyện đều có trường THPT... Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; có 333 trường trên địa bàn các huyện miền núi đạt chuẩn quốc gia (chiếm 51%). Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo cũng được nâng cao về chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn. Toàn ngành có 11.540 lượt cán bộ được bồi dưỡng tiêu chuẩn nghề nghiệp, chức danh quản lý; 67.500 lượt cán bộ, giáo viên các cấp được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng phương pháp dạy học. Qua rà soát, hiện 99,98% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 76,96%...
Để tiếp tục quan tâm, hỗ trợ sự nghiệp giáo dục vùng DTTS, miền núi phát triển, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1205/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu đảm bảo 100% số trường, lớp học vùng DTTS, miền núi được xây dựng kiên cố; huy động 100% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo 5 tuổi đủ điều kiện, khả năng đến trường, học sinh trong độ tuổi tiểu học trên 98%, học sinh THCS trên 96%, học sinh THPT trên 70%; 100% các xã miền núi, vùng DTTS giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
Cùng với đó, 97% thanh, thiếu niên từ 15 tuổi trở lên là người DTTS phải được đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; 100% cán bộ quản lý, giáo viên là người Kinh công tác tại vùng DTTS và miền núi phải được đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS; 100% các đơn vị trường học được cung cấp đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học...