Quan tâm hòa giải mâu thuẫn về đất đai

Thời gian qua, những vụ khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu liên quan đến tranh chấp về đất đai. Để hạn chế mâu thuẫn phát sinh ở lĩnh vực này, TAND hai cấp đã chú trọng hòa giải, đối thoại, tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan.

Giá đất tăng cao, mâu thuẫn về đất đai phát sinh ngày càng phức tạp. Nhiều vụ việc nhỏ hóa to, gây mất tình thân gia đình, tình làng nghĩa xóm. Ông Dương Văn C (SN 1969) ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) đâm đơn kiện hàng xóm là ông Thân Văn T (SN 1957) lấn chiếm 2,8m2 đất của gia đình mình.

Thẩm phán TAND huyện Lục Nam vận động các bên đương sự tự thỏa thuận phương án giải quyết tranh chấp về đất đai.

Thẩm phán TAND huyện Lục Nam vận động các bên đương sự tự thỏa thuận phương án giải quyết tranh chấp về đất đai.

Chính quyền địa phương tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Bên nào cũng cho rằng mình đúng, không chịu nhường nhịn nhau, kiện tụng dẫn đến tốn kém tiền của, thời gian.

Đầu năm 2022, đối tượng Hoàng Văn Tăng (SN 1982) ở thôn Trại Mới, xã Đồng Hưu (Yên Thế) nhẫn tâm tước đi mạng sống của bà Lê Thị L (SN 1963) ở gần nhà. Các bên đều cho rằng mảnh đất trước cửa nhà bà L là của mình, mâu thuẫn âm ỉ không được giải quyết dẫn đến kết cục thảm thương.

Vừa qua, TAND hai cấp trong tỉnh xét xử nhiều vụ án “Cố ý gây thương tích” mà bị cáo và bị hại là người thân. Nguồn cơn vẫn liên quan đến tranh chấp đất đai. Ông Dương Thế Vinh, Phó Chánh án TAND huyện Lục Nam lý giải, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp đất đai là do có sai sót trong quá trình đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, một số hộ gia đình tự đổi đất ruộng cho nhau mà không thông qua chính quyền địa phương, khi xảy ra tranh chấp, khó có căn cứ để giải quyết.

Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp phải giải quyết hơn 2 nghìn vụ việc về dân sự (nhiều hơn gần 400 việc so với cùng kỳ năm 2021); đã giải quyết hơn 1,6 nghìn việc. Trong đó, việc liên quan đến tranh chấp đất đai chiếm số lượng khá lớn; đã hòa giải, đối thoại thành gần 400 trường hợp.

Theo thông tin từ TAND tỉnh, từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 2 nghìn vụ việc về dân sự (nhiều hơn gần 400 việc so với cùng kỳ năm 2021); đã giải quyết hơn 1,6 nghìn việc.

Trong đó, việc liên quan đến tranh chấp đất đai chiếm số lượng khá lớn. Nhiều vụ có tính chất phức tạp, trước khi khởi kiện, các bên đã mâu thuẫn kéo dài.

Để tiếp tục giải quyết, sau khi thụ lý, những đơn đủ điều kiện hòa giải đối thoại, TAND hai cấp đã quan tâm mời các hòa giải viên trực tiếp tham gia hòa giải.

Hiện toàn tỉnh có 50 hòa giải viên, phần lớn đều có kiến thức chuyên ngành Luật, có kỹ năng, trách nhiệm cao. Nếu đương sự không hợp tác, vụ việc được chuyển sang giải quyết theo thủ tục tố tụng. Tại đây, với chức năng, nhiệm vụ của mình, TAND hai cấp tiếp tục tiến hành hòa giải, đối thoại lần nữa.

Ông Thân Hồng Giang, Chánh án TAND huyện Lạng Giang chia sẻ, ngoài nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan, lời khai của các bên, trực tiếp về nơi xảy ra tranh chấp để tìm hiểu, thẩm phán còn nắm tâm tư, nguyện vọng của từng bên để đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Ví như tranh chấp đất đai giữa gia đình anh Nguyễn Văn H (SN 1989) ở thôn Đông Lễ, xã Xương Lâm (Lạng Giang) với gia đình ông Nguyễn Văn T (SN 1972, là chú ruột của anh H) cùng địa chỉ vừa được tòa án hòa giải thành công.

Do việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng với hiện trạng thực tế nên mảnh đất của gia đình anh H (ở phía sau mảnh đất nhà ông T) không có lối ra. Khi đó, đích thân Chánh án TAND huyện Lạng Giang đã nhiều lần vận động, thuyết phục mỗi bên bỏ ra một phần diện tích đất của gia đình mình để tạo thành lối đi có diện tích gần 90m2.

Thấy hợp lý, hợp tình, các bên đã đồng ý. Hai gia đình cũng đã đề nghị chính quyền địa phương cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ theo hiện trạng của thửa đất hiện tại.

Với những biện pháp tích cực trên, từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực (ngày 1/10/2021) đến nay, gần 400 vụ việc được hòa giải thành, trong đó nhiều vụ liên quan đến đất đai.

Được biết, nhằm góp phần hạn chế vi phạm, Viện KSND hai cấp cũng đã phối hợp TAND ban hành nhiều kiến nghị khắc phục và phòng ngừa vi phạm pháp luật lĩnh vực đất đai.

Ví dụ, gần đây đã kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Lục Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chứng thực hợp đồng của UBND cấp xã, việc lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QDSDĐ của các đơn vị liên quan; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân; hạn chế thấp nhất tranh chấp.

TAND hai cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/392498/quan-tam-hoa-giai-mau-thuan-ve-dat-dai.html