Quan tâm hơn đến giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Bởi vì xây dựng, phát triển con người cần phải đặt nền móng từ những năm đầu đời. Tuy nhiên, bậc học này đang gặp những khó khăn đặc thù, cần sớm tháo gỡ.
Trên địa bàn tỉnh, số lượng người làm việc được giao cho đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chiếm đa phần trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (690 đơn vị, chiếm hơn 81%); 25.236 người, chiếm hơn 79%, theo số liệu đến ngày 30/6/2024). Năm học 2024 - 2025, tỉnh còn thiếu 1.044 biên chế giáo viên các cấp.
Đơn cử, Trường Mẫu giáo Lê Chánh (TX. Tân Châu) được thành lập năm 2003, diện tích nhỏ hẹp. Đầu năm học 2024 - 2025, nhà trường được tiếp nhận cơ sở mới, tổng diện tích hơn 3.300m2. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 22 người, gồm 10 giáo viên chính thức, 3 giáo viên thỉnh giảng. Trường thực hiện biên chế 8 lớp (có 3 lớp bán trú), nuôi dạy 244 trẻ ở độ tuổi mầm, chồi, lá. Hiện, trường còn thiếu 7 giáo viên so với định mức Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT, ngày 30/10/2023 của Bộ GD&ĐT; thiếu 3 giáo viên so biên chế giao năm 2024.
Theo ban giám hiệu trường, những năm học gần đây, tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, tạo áp lực lớn trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp, dẫn đến thời gian làm việc của giáo viên mầm non bị chiếm quá nhiều so với các cấp học khác; không thể đi làm thêm. Buổi sáng, giáo viên thường vào lớp trước 15 phút để mở cửa lớp thông thoáng, vệ sinh lớp và đón trẻ; buổi trưa trực giờ ngủ trưa của trẻ (đối với giáo viên dạy lớp bán trú); buổi chiều dành 15 - 30 phút để tiếp tục dọn dẹp vệ sinh sau khi tan lớp.
Trường mầm non, mẫu giáo không có chế độ ra chơi sau mỗi hoạt động; giáo viên không có thời gian giải lao, mà phải bao quát lớp học trong suốt quá trình trẻ tham gia học tập, vui chơi, sinh hoạt tại trường. Ngoài việc giảng dạy, giáo viên mầm non còn soạn giảng, làm đồ dùng, đồ chơi để phục vụ giảng dạy. Chưa kể, các hội thi, phong trào, dự chuyên đề nâng cao tay nghề, năng lực chuyên môn, cải tiến chất lượng giảng dạy… cần tham gia thường xuyên, chứ không đơn thuần chỉ là giữ trẻ.
Việc quản lý quá nhiều trẻ nhỏ, từ việc soạn giáo án, chăm lo, tổ chức trò chơi, lên bảng theo dõi quá trình học tập, để ý tới tâm lý từng bé khiến cô giáo luôn phải bận bịu suốt cả ngày, áp lực về thời gian và trách nhiệm là rất lớn. “Tôi thích trẻ nhỏ, cảm thấy nghề giáo viên mầm non khá phù hợp với mình. Đến khi đi làm, rất nhiều vấn đề chi phối, buộc tôi nhiều lần phải chọn lựa giữa tiếp tục công việc này, hay chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn. Hầu như ngày nào tôi cũng phải thức sớm đến trường, trở về nhà khi chiều tối. Hôm nào “khỏe” trong người thì còn đủ sức chăm sóc, quản lý các bé. Những hôm trong lớp có trẻ bị bệnh, tôi cũng muốn đổ bệnh theo” - Nguyễn Thị Hương (giáo viên mầm non ở TP. Châu Đốc) chia sẻ.
Thế nhưng, thu nhập của giáo viên mầm non còn thấp, tỷ lệ nghịch với mức độ áp lực công việc, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, dẫn đến tình trạng bỏ việc. Mặc dù chế độ tiền lương đối với nhà giáo đã được quan tâm, cũng đã có đề xuất cải thiện, nhưng vẫn chưa đáng kể. Một số giáo viên công tác nhiều nă vẫn còn giữ hạng chức danh nghề nghiệp cũ, chưa được xét thăng hạng do chưa có cơ chế. “Từ những thực tế chung của ngành, chúng tôi đề xuất ý kiến: Cần xem xét đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc; tăng ưu đãi, giảm tuổi nghỉ hưu theo đặc thù công việc và thực hiện việc xét thăng hạng cho 100% giáo viên đủ điều kiện. Từ đó, giúp họ yên tâm chăm sóc, giáo dục trẻ, cũng là động lực để phát triển ngành giáo dục mầm non” - cô Huỳnh Thị Mỹ Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Lê Chánh chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới GD&ĐT cho rằng, cần rà soát, có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, cách huy động và phân bổ nguồn lực để tạo nên bước đột phá cho sự phát triển giáo dục mầm non thời gian tới, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng và vấn đề xã hội hóa. Tích cực tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” đối với phát triển giáo dục mầm non (nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; nhân lực đội ngũ giáo viên; tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…); có cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực cho giáo dục mầm non (chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút giáo viên). Đặc biệt, quan tâm chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non theo phương thức đối tác công tư.
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi; nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non; tổng kết quá trình thực hiện và tính toán nhu cầu nguồn lực về đội ngũ, cơ sở vật chất; rõ nội hàm đổi mới; đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn; quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương.
Hiện nay, cả nước có hơn 4,5 triệu trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi được nuôi dưỡng tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục công lập. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%. Tỷ lệ trường mầm non dân lập tư thục chiếm 20,8%. Toàn quốc có 59,5% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/quan-tam-hon-den-giao-duc-mam-non-a412876.html