Quan tâm huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại
Sáng 19/3, phát biểu tại lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhà máy Z111 (19/3/1957-19/3/2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện giúp cho Quân đội triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Với những thành tích xuất sắc trong những năm vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng và trao Bằng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Thượng tá Hoàng Quốc Vinh, Giám đốc Nhà máy Z111.
Ghi nhận thành tích đóng góp quan trọng của Nhà máy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Sự kiện đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước hôm nay là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ và động viên cán bộ, công nhân viên Nhà máy tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao.
Nêu rõ trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, gây mất ổn định an ninh, chính trị, tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia; cơ bản tán thành với những định hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Nhà máy Z111, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, quán triệt, bám sát đường lối, chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.
Đồng chí yêu cầu tiếp tục tham mưu chiến lược để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08 ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Quốc phòng sớm báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý và huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng.
Xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, bên cạnh việc phát huy nội lực là chủ yếu, cần tập trung huy động đa dạng các nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp quốc phòng từ Quỹ dự trữ ngoại hối, nguồn ngân sách nhà nước, vốn đối ứng, quỹ đầu tư phát triển và nguồn tài chính của doanh nghiệp...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Để thực hiện mục tiêu xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại, cần phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Nội dung quan trọng khác là chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự; phát huy trí tuệ tập thể, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị sát với yêu cầu tác chiến mới của các lực lượng vũ trang.
Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm tạo bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng; tập trung đào tạo, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp đặc thù lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn tổ chức, biên chế.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội; thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất cao; trước tiên tạo sự đồng thuận trong tập thể lãnh đạo chỉ huy và của toàn thể cán bộ, công nhân viên.
Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và triển khai Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đơn vị cần chú trọng công tác bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối đơn vị; thường xuyên quan tâm cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, xây dựng môi trường văn minh công nghiệp.
Đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu đơn vị thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nơi đóng quân, tăng cường các hoạt động xã hội góp phần xây dựng địa bàn an toàn, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng Nhà máy Z111 tiếp tục phát triển, trở thành mô hình mới trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại; cùng với các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và toàn quân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.
Theo báo cáo của lãnh đạo đơn vị, lịch sử ra đời và phát triển của Nhà máy Z111 gắn liền với quá trình phát triển của ngành Quân giới Việt Nam; Nhà máy luôn giữ vị trí là một trong những cơ sở công nghiệp quốc phòng rất quan trọng. Nhà máy hai lần vinh dự được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Đảng bộ Nhà máy nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức quần chúng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị và được Đảng, Nhà nước, Quân đội nhiều lần khen thưởng.