Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác dân tộc. Trong đó chú trọng tuyên truyền, động viên đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực, tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất, vươn lên giảm nghèo và làm giàu. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Người dân đến vui chơi, luyện tập tại Nhà văn hóa thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp).

Người dân đến vui chơi, luyện tập tại Nhà văn hóa thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp).

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 55/2022/NQ-HĐND ngày 27/10/2022 ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 114 về triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bằng nhiều hình thức và phù hợp với từng đối tượng, từ đó tạo sự đồng thuận, huy động sự vào cuộc với trách nhiệm cao, phát huy rõ vai trò chủ thể của chính cộng đồng, người dân tại địa phươ̛ng trong các phong trào thi đua yêu nước.

Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều các hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển như: quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số…

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tập trung vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề; tặng giống cây, con, hỗ trợ phân bón; xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế..., qua đó phát huy nội lực, nâng cao ý thức tự giác vươn lên, tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong phát triển văn hóa- xã hội vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc được chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát huy như: Phục dựng các lễ hội, bảo tồn văn hóa Mường; lưu giữ cồng chiêng, nhà sàn, các trang phục dân tộc truyền thống của đồng bào dân Mường; duy trì hoạt động của các đội văn nghệ thôn, bản; tham gia hội diễn văn nghệ dân tộc của khu vực...

Thông qua các hoạt động trên đã tạo môi trường diễn xướng, bảo lưu văn hóa các dân tộc nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng.

Bên cạnh đó, Ninh Bình quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế. Trong đó đã tập trung tới các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia vùng dân tộc thiểu số đạt 100%. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, cơ sở vật chất trong hệ thống giáo dục được tăng cường, ngày càng có đông con em là người dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học, cao đẳng.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì thường xuyên. Toàn tỉnh có 100% Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng (76/76 thôn) và 100% thôn, bản có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã tích cực lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế.

Hiện 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông thuận lợi từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số ước đạt trên 56 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 4,22%, hộ cận nghèo còn khoảng 4,34%.

Chia sẻ về sự đổi thay của quê hương, chị Đinh Thị Phương ở thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Tôi là người Mường, sinh ra và lớn lên tại xã Yên Sơn. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của thành phố mà đời sống người dân nói chung, đồng bào dân tộc Mường nói riêng đã được nâng lên rất nhiều.

Từ chỗ chỉ trông vào diện tích nhỏ trồng lúa, lại thường xuyên ngập lụt do ruộng trũng, khó tiêu úng, do vậy năng suất cây trồng không cao. Nay người dân đã có điều kiện canh tác trên những mảnh ruộng lớn nhờ chủ trương "dồn điền, đổi thửa" và ở đó chúng tôi đã sử dụng máy móc để cày bừa, gieo xạ, để thu hoạch, giải phóng sức lao động.

Đối với diện tích ruộng trũng đã được chuyển đổi sang mô hình lúa- cá, cho thu nhập cao. Đường, điện, trường học được đầu tư xây dựng khang trang. Gần đây thôn Khánh Ninh còn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa và các dụng cụ thể dục thể thao, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-nang-cao-chat-luong-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu/d20221220162739505.htm