Quan tâm nâng cao thu nhập cho lao động ngành Y tế
ĐBP - Ngành Y tế tỉnh hiện có 3.118 cán bộ công chức, viên chức, người lao động; trong đó nhân lực y tế cơ sở 2.205 người. Thời gian qua, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của cán bộ, nhân viên y tế ngày càng được hoàn thiện và nâng cao. Chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp được chi trả đúng, đủ kịp thời theo quy định. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều ngành nghề khác, người lao động ngành Y cũng gặp phải không ít khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh thăm hỏi, động viên các y, bác sĩ làm việc trong khu cách ly Covid-19 Trung tâm Y tế huyện Điện Biên (Ảnh chụp tháng 10/2021).
Ông Trịnh Xuân Hồng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) cho biết, cán bộ, viên chức, người lao động ngành Y tế tỉnh có thu nhập chủ yếu từ lương theo ngạch bậc. Do đặc thù tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, bệnh nhân chủ yếu khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, nguồn thu từ các dịch vụ y tế hầu như không có. Việc nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế còn hạn chế.
Hiện nay, công chức thuộc cơ quan hành chính được hưởng chế độ phụ cấp công vụ theo Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo mức liên quan đến công việc trực tiếp được quy định tại Nghị định số 56/CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ. Đối với y tế tuyến cơ sở (tuyến huyện) theo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ và các chế độ trực, độc hại bằng hiện vật... theo đơn vị có giường bệnh và vị trí việc làm liên quan.
Ngoài ra, tỉnh có một số chính sách áp dụng chung đối với cán bộ, công chức, viên chức là chính sách đào tạo và chính sách thu hút người có trình độ cao theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 9/9/2020 của UBND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh...
Theo thống kê từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 trường hợp viên chức xin thôi việc với lý do chủ yếu hợp lý hóa gia đình, một số do thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống. Năm 2021 có 24 viên chức, người lao động xin thôi việc theo nguyện vọng (trong đó, bác sĩ, trình độ thạc sĩ, chuyên khoa cấp I: 3 người; bác sĩ đa khoa 1 người...). Năm 2022 có 16 viên chức, người lao động xin thôi việc theo nguyện vọng (bác sĩ, trình độ chuyên khoa cấp I: 2 người...).
Trao đổi về những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho lao động ngành Y trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Khó khăn của người lao động ngành Y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu liên quan đến thu nhập (bình quân thu nhập thấp). Sở Y tế tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập có thu thực hiện tự chủ một phần tài chính, để dần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức người lao động. Để ổn định nhân lực, đặc biệt nhân lực chuyên môn y, bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu (sau đại học, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, cấp II...), Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sắp xếp bố trí đúng chuyên khoa, chuyên ngành đã đào tạo, để phát huy năng lực, kiến thức chuyên môn phục vụ người bệnh; thực hiện đầy đủ các chế độ cho cán bộ theo quy định của tỉnh đối với cán bộ đi đào tạo sau khi trở lại tỉnh công tác. Tạo môi trường làm việc thân thiện, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tạo cơ hội cho cán bộ, nhân viên y tế, phát huy khả năng để khẳng định bản thân.
Sở cũng tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cần có thêm những chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý để duy trì, giữ chân bác sĩ tay nghề giỏi yên tâm công tác tại tỉnh; có chính sách ưu đãi về hỗ trợ đất ở hoặc nhà công vụ để cán bộ yên tâm công tác. Về lâu dài cần có cơ chế chính sách thỏa đáng cho cán bộ, viên chức lao động ngành Y tế so với mặt bằng chung của xã hội, đề nghị cải cách chế độ chính sách cho cán bộ y tế nói chung (tăng mức hưởng đặc thù nghề cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng và y tế tuyến cơ sở). Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học khác cho phù hợp thời gian đào tạo.