Quan tâm nghiên cứu đời sống tâm lý, hành vi thanh niên trong tình hình mới
Sáng 31-3, Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (26-3-1973 – 26-3-2023) với chủ đề Trường Đoàn Lý Tự Trọng – 50 năm hành trình truyền lửa.
Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cùng nhiều lãnh đạo Trung ương Đoàn, thành phố và các địa phương.
Trường Đoàn Lý Tự Trọng thành lập ngày 26-3-1973, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn TPHCM. Ra đời trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trường đã huấn luyện, đào tạo cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trở thành lực lượng đấu tranh, góp phần trong thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Sau khi đất nước thống nhất, Trường Đoàn Lý Tự Trọng tiếp tục được Thành ủy TPHCM, Thành đoàn TPHCM giao nhiệm vụ thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đáp ứng những yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ mới.
Đào tạo hơn 300.000 lượt cán bộ Đoàn, Hội, Đội, học viên
Phát biểu ôn lại truyền thống, Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng Huỳnh Ngô Tịnh cho biết trong hành trình truyền lửa 50 năm, Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 300.000 lượt cán bộ Đoàn, Hội, Đội, học viên. Nhiều đồng chí hiện đang giữ vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị của thành phố và các tỉnh.
Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế - xã hội, với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, thanh thiếu nhi sẽ có sự thay đổi đáng kể về tư duy. Do đó, đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội không thể không thay đổi, sáng tạo nếu vẫn muốn còn là bạn đồng hành cùng thanh thiếu nhi. Công tác đào tạo cán bộ Đoàn từ đó cũng phải đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương vui mừng khi tuy hiện nay cả nước không còn nhiều cơ sở đào tạo chuyên sâu về công tác đoàn nhưng Trường Đoàn Lý Tự Trọng vẫn tiếp tục được duy trì, hoạt động hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng thanh niên hiện nay chủ yếu thuộc thế hệ “gen Z”. Đây là thế hệ rất sáng tạo, năng động và luôn muốn thể hiện bản thân, thích tìm tòi điều mới.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thế hệ trẻ là người tiếp cận nhanh chóng các nguồn tin. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, để phù hợp với thanh niên. Muốn vậy, cần phải có lực lượng cán bộ Đoàn chất lượng và vai trò đào tạo của Đoàn, trong đó có Trường Đoàn Lý Tự Trọng.
Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đề nghị Trường Đoàn Lý Tự Trọng điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo đáp ứng với tình hình mới. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống giáo trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mới cho cán bộ Đoàn. Các bài giảng, giáo trình, chương trình bồi dưỡng, tập huấn nên theo hướng thực hành, thực tế, xây dựng mô hình mới trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Không chỉ vậy, cần không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên của trường.
“Trường Đoàn Lý Tự Trọng phải là đơn vị đi đầu trong nắm bắt và áp dụng các xu hướng mới của giới trẻ, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào giảng dạy để tạo sức hấp dẫn, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng”, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang nói.
Vừa đào tạo vừa nghiên cứu đời sống thanh niên
Phát biểu định hướng hoạt động của Trường đoàn Lý Tự Trọng, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng Trường Đoàn không chỉ là nơi đào tạo cán bộ Đoàn, Đội, Hội cho thành phố mà còn xây dựng đội ngũ cán bộ dự bị tin cậy cho Đảng bộ TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, thời gian qua, Trung ương và Bộ Chính trị đã ban hành cho TPHCM nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy phát triển như Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 và sắp tới đây sẽ là Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Những nghị quyết này mở ra sứ mệnh của thế hệ trẻ, làm thế nào để phát huy vai trò xung kích trong việc chung tay thực hiện các nhiệm vụ phát triển TPHCM và cả nước.
Do đó, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Ban Thường vụ Thành đoàn, Ban Giám hiệu Trường Đoàn Lý Tự Trọng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, quyết tâm mở ra một chặng đường phát triển mới của Trường Đoàn Lý Tự Trọng nói riêng và công tác tổ chức xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố nói chung.
Trường Đoàn phải luôn xác định đúng đắn mục tiêu và động lực của công tác đào tạo là yếu tố con người. Đổi mới công tác giáo dục để thực sự tạo động lực, thúc đẩy cán bộ đoàn, hội, đội và đoàn viên, thanh niên.
“Làm sao đào tạo ra được nhiều thế hệ cán bộ nhiều tri thức, cách thức tiếp cận sáng tạo để tập hợp đông đảo và phát huy được lực lượng thanh niên. Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, việc đổi mới và nâng cao sức hấp dẫn trong công tác Đoàn, Hội, Đội là trách nhiệm rất lớn. Cán bộ không có kỹ năng, không có sức thuyết phục thì không bao giờ thu hút được đoàn viên, thanh niên”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Vừa qua, TPHCM cũng đã phát động xây dựng hình mẫu thanh niên với nhiều tiêu chí, làm sao phải tuyên truyền rộng khắp đến đoàn viên, thanh niên. Trong đó, có vấn đề đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Thành đoàn TPHCM, Trường Đoàn Lý Tự Trọng có vai trò lớn trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành đoàn quan tâm cùng Trường Đoàn Lý Tự Trọng đầu tư đổi mới nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên, báo cáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu gợi ý Trường Đoàn có thể định hướng trở thành đơn vị vừa có chức năng giảng dạy, vừa có chức năng của trung tâm nghiên cứu, phân tích đời sống tâm lý, hành vi của thanh thiếu nhi thành phố.
“Trường Đoàn phải thường xuyên thực hiện các hoạt động khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhu cầu của xã hội để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị.
Bên cạnh đó, khi thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số thì đội ngũ cán bộ Đoàn phải đi đầu, đội ngũ giảng viên của trường phải có năng lực ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, chuyển đổi số trong công tác giáo dục.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành đoàn cần tham mưu tốt hơn nữa cho lãnh đạo thành phố các chính sách liên quan đến công tác cán bộ Đoàn, Hội, Đội.
Dịp này, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tặng bằng khen cho Trường Đoàn Lý Tự Trọng vì có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi.
UBND TPHCM đã trao tặng cờ truyền thống của Trường Đoàn Lý Tự Trọng vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục nhiều năm và trao tặng Huy hiệu TPHCM cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng vì có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ liên tục nhiều năm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ TPHCM.