Quan tâm phát triển Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo (bài 4)
Bài 4: Lấy thực tiễn làm đáp ánĐBP - Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo đã đạt nhiều kết quả tích cực. Song đó vẫn chưa phải là kết quả tốt nhất. Nhất là thực tiễn trong toàn tỉnh vẫn còn nhiều cộng đồng đồng bào tôn giáo chưa có đảng viên, nhiều bản chưa có chi bộ. Giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này cũng như nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo?Bài 1: Gian nan 'đãi cát tìm vàng'Bài 2: Ươm mầm 'hạt giống đỏ' vùng đồng bào tôn giáoBài 3: Trao niềm tin, nhận 'quả ngọt'
Anh Sùng A Sình (thứ 2 từ phải sang) là đảng viên đầu tiên của bản đồng bào tôn giáo Kết Tinh, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) làm tốt vai trò gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và tuyên truyền, vận động nhân dân. Ảnh: P.V
Kinh nghiệm từ thực tế
Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện toàn tỉnh có 79 đảng viên là người theo đạo. Tuy nhiên số liệu này mới bao gồm 4 huyện: Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Ảng và Tủa Chùa. Trong đó, Nậm Pồ chiếm phần lớn với 59 đảng viên. Đồng bào tôn giáo trải khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ta nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa phát triển được đảng viên là người theo tôn giáo.
Nhìn lại giải pháp phát triển đảng viên, đặc biệt đảng viên đồng bào tôn giáo của Nậm Pồ, có thể đây là cách làm cần được học hỏi, nhân rộng. Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết, tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, không nghe theo tà đạo Giê Sùa; lãnh đạo đấu tranh giải quyết hoạt động thành lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn huyện; chỉ đạo UBND và Ban Chỉ đạo 160 huyện tổ chức 2 hội nghị gặp mặt, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho 283 lượt người là chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm, người có uy tín trong tôn giáo. Ngoài ra, tổ chức 8 hội nghị triển khai Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, Nghị định 92/2012/NĐ-CP, Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho 669 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Cùng với đó là tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo và nguyện vọng chính đáng của các điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn; xem xét điều kiện cấp chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung cho các điểm nhóm. Đồng thời thường xuyên gặp gỡ, tạo sự gần gũi, đồng thuận, kết hợp tuyên truyền, định hướng các chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm tích cực góp công sức vào công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ an ninh trật tự ở địa bàn. Từ đó tăng cường sự ủng hộ của các chức sắc, chức việc, các trưởng điểm nhóm tôn giáo. Bên cạnh đó phát huy vai trò cốt cán, người có uy tín và những người có tính thuyết phục, tầm ảnh hưởng trong tôn giáo để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ, tổ chức tôn giáo nhằm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tạo nguồn phát triển đảng viên.
Kinh nghiệm chung của các cấp ủy đã phát triển được đảng viên, chi bộ trong vùng đồng bào tôn giáo là giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với các nhóm tôn giáo, gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Qua đó tạo sự hiểu biết, tin cậy, đồng thuận lẫn nhau, để các tín đồ tham gia xây dựng khối đoàn kết giữa các tôn giáo và với đồng bào không theo tôn giáo, tích cực góp phần thực hiện nhiệm vụ của địa phương; phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc không để xảy ra “điểm nóng”. Và đề cao cảnh giác đối với những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo, dân tộc để chia rẽ, làm mất trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Đó chính là tiền đề giác ngộ lý tưởng của Đảng, phát triển đảng viên trong đồng bào tôn giáo.
Vẫn chưa thể hài lòng
Chưa hài lòng, dừng lại ở kết quả đã đạt được, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng cần rút kinh nghiệm, học hỏi, tiếp thu để tiếp tục phát triển đảng viên nói chung, đảng viên vùng đồng bào tôn giáo nói riêng tăng cả số lượng và chất lượng. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo, để có thể đẩy mạnh việc phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo, huyện sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt thực hiện Quy định số 06-QĐi/TW của Bộ Chính trị, và gắn chặt chẽ với việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về phát triển đảng viên. Cấp ủy, cán bộ, đảng viên đi sâu, bám sát cơ sở để nắm chắc tình hình hoạt động tôn giáo, đồng thời tiếp thu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; vận động nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; chủ động, kiên quyết trong đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Trong quá trình triển khai phải kịp thời điều chỉnh, khắc phục hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; động viên, khuyến khích, khen thưởng đối với tổ chức đảng, đảng viên có nhiều thành tích trong tổ chức triển khai thực hiện Quy định số 06-QĐi/TW của Bộ Chính trị.
Đồng chí Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Định hướng thời gian tới, cấp ủy các cấp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng. Xem đây là giải pháp quan trọng để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cấp ủy các cấp, trong cán bộ, đảng viên và quần chúng về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên đối với đồng vào có đạo. Đồng thời, tiếp tục phân công đảng viên có kinh nghiệm, am hiểu công tác tôn giáo về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản ở những điểm bản đã đăng ký sinh hoạt đạo. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tham gia công tác phát triển đảng viên đối với người có đạo. Phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đồng chí cấp ủy viên để theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác kết nạp Đảng đối với người có đạo; chọn cử những đảng viên nhiệt tình, trách nhiệm tăng cường về thôn, bản vùng có đạo đã được cấp phép chưa có đảng viên, chưa có chi bộ để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân, phát hiện quần chúng ưu tú giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp. Không chỉ vậy, với những đảng viên đã được kết nạp cần tạo môi trường cho họ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và phát huy vai trò hạt nhân chính trị tại cơ sở.
Với những kết quả đạt được và những giải pháp trong thời gian tới, tin tưởng rằng công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Đây cũng sẽ là động lực để đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tiếp tục giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.