Quan tâm phát triển để Hà Nội xứng đáng là 'trái tim của cả nước'

Chiều 28-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội. Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng...

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển Hà Nội để Hà Nội xứng đáng là “trái tim của cả nước” và chúng ta có trách nhiệm làm cho “trái tim cả nước” mạnh khỏe, nhịp đập đều và mạnh, góp phần đưa cả nước tiến bước vì Hà Nội là 1 trong 2 đô thị đặc biệt của Việt Nam và đóng góp của Hà Nội rất quan trọng. Thủ tướng cũng nêu rõ có cơ chế, chính sách phù hợp để Hà Nội phát triển trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đặc biệt là tạo điều kiện về nguồn lực để phát triển. Với tinh thần “cái gì làm được cho Hà Nội thì chúng ta nên làm”, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phát biểu, tập trung xử lý các kiến nghị của Hà Nội.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021 của Hà Nội có tín hiệu khởi sắc rõ nét. GRDP ước tăng cao hơn cùng kỳ 2020 (quý I - năm 2020 tăng 4,13%). Thành phố đầu tư 455 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 207.000 tỷ đồng. Đây là các dự án quan trọng cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường liên kết vùng và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Nhân dịp này, lãnh đạo UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố lên 40-60%, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô. Đặc biệt tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng khu vực Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc thành phố trong thành phố và thị xã trong thành phố cùng mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu.

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm giải quyết các kiến nghị của Hà Nội. Thủ tướng cho rằng, kinh tế-xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 phát triển khá toàn diện. Diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh. Môi trường đầu tư được cải thiện, câu “Hà Nội không vội được đâu” đã ít được nhắc tới nữa.

Thủ tướng nhắc một số tồn tại như đến nay thành phố vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hoặc tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm. Quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi chưa làm tốt.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước; không chỉ đơn thuần về phát triển kinh tế, đô thị mà cả các yếu tố chính trị, văn hóa. Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Thống nhất về tầm nhìn, quan điểm phát triển Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung phát triển Hà Nội là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ, là một thành phố đáng sống. Hà Nội có dày đặc di sản vật thể và phi vật thể, nên cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo, giữ gìn, đặc biệt khu Hoàng thành Thăng Long.

Thủ tướng nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn OECD.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung và huy động của cả hệ thống chính trị và nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Đi đầu thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2021 của Chính phủ. Chuẩn bị tốt các công tác tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hà Nội cần tiên phong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của Hà Nội trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển. Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm có nghị định về vấn đề này để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.

Phát biểu tại cuối buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự phát triển của Thủ đô nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương và các bộ, ngành. Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu 3 vấn đề lớn đề nghị Trung ương, các bộ, ngành quan tâm.

Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quy hoạch hai bên sông Hồng, sông Đuống đã được thành phố lập dự thảo xong, hiện đang chờ các ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch, thành phố đã tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương. Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ quan tâm để trong tháng 6-2021 có thể ban hành quy hoạch này, như vậy sẽ phủ kín được 100% quy hoạch ở Thủ đô. Thành phố sẽ sớm trình Thủ tướng dự thảo liên quan điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Thứ hai, trong năm 2021, theo chương trình công tác của Bộ Chính trị, Hà Nội sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô. Thứ ba, cũng trong năm 2021, Hà Nội sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Trung ương, Chính phủ xem xét, cho phép Hà Nội bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển. Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các bộ, ngành cùng phối hợp với Hà Nội để thực hiện các nội dung này.

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quan-tam-phat-trien-de-ha-noi-xung-dang-la-trai-tim-cua-ca-nuoc-655394