Quan tâm phụ nữ thực chất hơn
Một điều dễ nhận thấy ở nhiều môi trường, đó là nam giới thường nắm vai trò chi phối, quyết định.
Có một câu chuyện được chuyển thể thành phim kể về một bé gái học giỏi, nhưng bất hạnh. Em có thể học lên cao, nhưng bố em, cũng chính là người chủ gia đình thì lại không cho phép. Bố bé gái lý luận rằng, phụ nữ học ít dễ lấy chồng. Học cao, bọn trai làng sợ không bì được, dễ ế chồng. Bé gái sau khi học xong cấp hai đã ở nhà, cuối cùng u uất quyên sinh. Bé gái ấy nếu được ông bố nhận thức đúng mức và quan tâm đúng cách, thì đã không có cái kết bi kịch. Bộ phim cũng cho thấy sự bạc nhược của mẹ bé gái và cả chính em đã không đủ sức mạnh để “tự cường”. Câu chuyện phim nhưng là thực tế ở không ít làng quê, phản ánh sự yếu thế của những người được xã hội gọi là “phái yếu”.
Còn câu chuyện mới hơn, xảy ra ở một cơ quan ngay giữa thành phố. Chuẩn bị đến ngày kỷ niệm của phụ nữ, ban nữ công đề xuất với thủ trưởng cơ quan về việc tọa đàm, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ. Thủ trưởng cơ quan phê vào giấy đề nghị rằng: Thống nhất chủ trương tổ chức, nhưng tự chủ kinh phí.
Việc bút phê ấy không sai, nhưng liệu đã đúng chưa? Đúng là ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí cho các hoạt động ngoài chuyên môn, nhưng có đến mức như thế không. Thống nhất chủ trương tổ chức hoạt động nhưng để chị em tự “bơi” tìm kinh phí, thì khác nào là từ chối. Sự quan tâm đúng mức hoàn toàn có thể thôi thúc vị thủ trưởng cơ quan nghĩ cách ủng hộ. Kinh phí có thể từ nguồn thu phúc lợi. Không có phúc lợi thì có thể nghĩ đến chuyện tiết kiệm kinh phí hoạt động chuyên môn, kinh phí hành chính hoặc giao một nhiệm vụ chuyên môn để tổ chức phụ nữ gây quỹ... Những điều có thể ấy đều đã không xảy ra, có thể vì thủ trưởng cơ quan giữ nguyên tắc, nhưng khả năng nhiều hơn là sự quan tâm chưa đủ lớn.
Những ngày lễ của phụ nữ, nhiều chủ gia đình, thủ trưởng cơ quan thường cho chủ trương tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu, tặng quà... Chỉ chuyện mua hoa thôi cũng đã rất nhiều và không tránh khỏi lãng phí. Có người đã đặt vấn đề là tại sao cứ nhất thiết phải như thế. Nhiều chị em có thể trở nên “bội thực” hoa tươi và quà tặng, những lời chúc mừng trong dịp này. Điều họ cần là quanh năm và thực chất, chứ đâu chỉ xuân thu nhị kỳ.
Về thể chế, gần như ở cơ quan nào, địa phương nào cũng có tổ chức phụ nữ, cao hơn là ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Nhưng không phải ở đâu tổ chức này cũng hoạt động đúng yêu cầu đặt ra. Nhiều phụ nữ, kể cả những phụ nữ có vị trí xã hội, có học thức cao vẫn bằng lòng với cách mặc định về giới của mình là “phái yếu”. Có lẽ bởi thế nên họ dễ dàng thu mình lại trước các vấn đề khó, vấn đề phức tạp.
Nói về những “góc khuất” trong công tác phụ nữ, chúng ta nhận thấy dù phong trào phụ nữ được phát động, tổ chức, nhưng chưa đi vào chiều sâu thực chất. Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dưới nhiều dạng thức. Chỉ đơn giản trong công tác cán bộ thôi đã thấy việc chưa phù hợp. Quy định tỷ lệ cán bộ nữ từng được đưa vào Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, nhưng ở một số địa phương vẫn không thể đảm bảo số lượng để quy hoạch, chứ chưa nói đến bố trí, sử dụng...
Một trong những giải pháp để tiến tới bình đẳng giới chính là phải thay đổi nhận thức, hành động của “phái mạnh”. Cùng với đó phải là sự tự cường của “phái yếu”. Tự cường ở đây không nên hiểu là “phất cờ” vượt “lằn ranh” đạo đức, mà là chủ động vượt lên cái được gọi là “thiên chức”, để sẵn sàng cho việc khó hơn.
Xã hội càng phát triển thì khoảng cách giới càng phải thu hẹp, sự tiến bộ của phụ nữ vì thế cũng trở nên thực chất hơn. Đó mới là động lực thúc đẩy từng gia đình và quốc gia phát triển, cũng là vấn đề cần đề cập nhân Ngày Quốc tế phụ nữ hôm nay.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/quan-tam-phu-nu-thuc-chat-hon/208467.htm