Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là biện pháp hiệu quả giúp tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững nên tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện. Những kết quả giải quyết việc làm khả quan ngay từ những tháng đầu năm là tiền đề để tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho 22.000 lao động trong năm 2023.
Trong thời gian qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tạo việc làm cho người lao động. Các giải pháp trọng tâm được thực hiện như: Tạo việc làm tại chỗ bằng việc khuyến khích, hỗ trợ các điều kiện để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; phát triển du lịch gắn với các lễ hội và nghỉ dưỡng; tăng cường hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ thông tin việc làm, giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề để học viên, sinh viên học xong đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng...
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 5 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố thu hút trên 5.000 người lao động, học sinh, sinh viên đến tìm kiếm cơ hội việc làm và học nghề. Các phiên giao dịch việc làm đã trở thành cầu nối giúp người lao động nắm được các thông tin tuyển dụng từ phía các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi và hướng dẫn người lao động các thủ tục hồ sơ và yêu cầu trong tuyển dụng đi làm việc. Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, cùng với việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp thì trung tâm còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành phố. Đồng thời, thường xuyên cập nhật những thông tin về thị trường lao động trên trang thông tin của trung tâm và bản tin ở các xã, thị trấn nhằm cung cấp đầy đủ thông tin tuyển dụng một cách kịp thời, chính xác nhất đến với người lao động trên địa bàn tỉnh.
Nhờ không ngừng cải thiện môi trường và cải cách thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh, tạo việc làm cho người lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 khu, 6 cụm công nghiệp thu hút được hơn 40 dự án công nghiệp. Các doanh nghiệp đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Hữu Tấn nhà ở xã Kháng Nhật làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh thuộc cụm công nghiệp xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, với mức thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng mặc dù không cao nhưng ổn định, lại gần nhà nên rất hợp lý với hoàn cảnh của anh. Từ ngày có việc làm, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập, chất lượng cuộc sống được nâng lên.
Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng và mở các mã ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội. Từ đó giúp nâng cao tỷ lệ học viên, sinh viên có việc làm sau khi học nghề. Anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) sau khi học xong nghề vận hành máy thi công nền tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã đi làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/tháng. Anh Hòa cho biết, nhờ có thu nhập ổn định, gia đình anh có vốn đầu tư thêm vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo anh, muốn thoát nghèo hiệu quả thì mỗi người phải có việc làm ổn định.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 10.061 lao động, đạt 45,7% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh cho 6.073 lao động, 3.453 lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước và 535 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, trong thời gian tới, sở tích cực phối hợp với các đơn vị, các huyện, thành phố tiến hành rà soát số người trong độ tuổi lao động để tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp. Cùng với đó, tạo điều kiện, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có uy tín tuyển dụng lao động trong tỉnh đi làm việc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật An toàn vệ sinh lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các lao động địa phương...